Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 2.000 hội viên là người dân tộc Khmer thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer tham gia phát triển kinh tế gắn với các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang chú trọng, giúp hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ bà Lái Thị Tật (60 tuổi, ngụ ấp Thới Đông, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiêng Giang) trước đây thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn; gia đình bà trồng lúa trên diện tích 1,5 ha, nhưng do đất thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên hay mất mùa, cuộc sống luôn thiếu thốn.
Năm 2018, bà được Hội Phụ nữ xã nhận ủy thác từ chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gò Quao cho vay 40 triệu đồng đầu tư nuôi lợn giống và lợn thịt. Sau lứa lợn đầu tiên, bà Tật thả nuôi nối tiếp các đàn lợn cho đến nay, mang về nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Trung bình, mỗi năm bà Tật xuất bán hơn 50 con lợn giống, khoảng 60 con lợn thịt, thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
“Nếu không được vay vốn ưu đãi, chắc vợ chồng tôi không dám đầu tư nuôi lợn và cuộc sống cũng không thoát khỏi nghèo khó. Bên cạnh được vay vốn, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu cung ứng lợn giống để trao cho hộ nghèo nên đầu ra ổn định. Vợ chồng tôi thường nhắc nhở con cháu luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm việc cho đàng hoàng và sống có ích cho xã hội”, bà Tật chia sẻ.
Bà Thị Sóc Khe là hội viên phụ nữ tiêu biểu về tinh thần siêng năng lao động ở ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản, huyện Gò Quao. Trước đây, gia đình bà Khe thuộc hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ít đất ruộng sản xuất. Năm 2022, bà Khe được Chi hội phụ nữ ấp Hòa Lễ tư vấn vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng đầu tư nuôi lợn. Qua gần 2 năm, bà Khe đã xuất bán được 3 đàn với 12 con lợn thịt, thu về hơn 40 triệu đồng. Riêng tiền bán rượu lợi nhuận mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Hiện tại, đàn lợn nuôi thứ 4 của gia đình (tính từ đợt nuôi đầu tiên) đạt trọng lượng hơn 60kg đang phát triển khỏe mạnh, dự kiến xuất bán trong đầu tháng 7 tới.
“Nhờ 5 triệu vốn vay xoay vòng, tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống sinh hoạt được đầy đủ hơn. Vợ chồng tôi không phải vất vả đi làm thuê, làm mướn như trước và con trai tôi đi nghĩa vụ quân sự cũng yên tâm học tập, rèn luyện. Tôi tiếp tục tham gia góp vốn xoay vòng để giúp các phụ nữ khó khăn khác tiếp cận vốn lãi suất thấp để vươn lên trong cuộc sống”, bà Thị Sóc Khen cho hay.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp đỡ trên 1.000 hộ hội viên phụ nữ Khmer nghèo và cận nghèo bằng nhiều hình thức trợ giúp thiết thực như: trao mô hình sinh kế; hỗ trợ vay vốn ưu đãi dưới hình thức bảo lãnh tín chấp từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tặng nhà “Mái ấm tình thương”; vận động thành lập các tổ hợp tác gắn với hỗ trợ hội viên phụ nữ về vốn, kỹ thuật, phương tiện sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trực tiếp quản lý 7 chương trình, dự án và hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn 2.300 tỷ đồng, với 60.700 lượt thành viên còn dư nợ. Tỉnh cũng thực hiện chương trình Mỗi cơ sở giúp ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hiện đã có 144 cơ sở đăng ký, giúp đỡ 341 hội viên phụ nữ.
Bà Trần Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ, nhất là ở cơ sở, lập sổ sách theo dõi quản lý hội viên phụ nữ Khmer nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, từ đó, xây dựng phương án và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Các cấp hội duy trì và phát triển các mô hình Tổ tín dụng tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, vốn nhàn rỗi trong hội viên. Các Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo và đặc biệt ưu tiên hội viên phụ nữ Khmer khó khăn; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tạo việc làm hiện có như: tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu, tổ may công nghiệp, tổ làm nhang, tổ may túi xách, tổ đan ghế mây, tổ làm khô.
Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền hội viên phụ nữ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để tạo việc làm, cải thiện thu nhập. Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy nghề, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm... giúp phụ nữ tiếp cận việc làm phù hợp với sở trường, nguyện vọng, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường vận động các nguồn lực trao tặng nhiều nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; tổ chức khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; duy trì thực hiện chương trình tiếp sức đến trường, tặng quà cho hội viên phụ nữ Khmer, nhất là các hộ ở vùng biên giới, hải đảo, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Trần Thu Hồng nói.
Văn Sĩ