Tỉnh Kiên Giang luôn tập trung các nguồn lực hướng về biên giới, xây dựng, củng cố các đơn vị lực lượng vũ trang; trong đó, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang đã tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong vận động hội viên, phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự vùng biên giới, biển đảo trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Theo đó, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...
Bà Thái Thị Duy Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang chia sẻ, Hội đã đẩy mạnh phong trào “Vì cuộc sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em vùng biên giới”, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng biên; vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội đã thành lập 7 tổ tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với gần 100 thành viên tham gia. Hàng năm, Hội thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, hải đảo trên địa bàn.
Từ năm 2018 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, Hội Phụ nữ thành phố Cần Thơ đã phối hợp ký kết thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Qua đó, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và những “Người lính quân hàm xanh” đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng thực hiện các hoạt động tại vùng biên giới, biển đảo. Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình sinh kế cho phụ nữ vùng biên giới, giải ngân vốn cho 43 hộ với hơn 290 triệu đồng để chăn nuôi, trồng rau...; vận động các cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng biên vươn lên trong học tập với tổng kinh phí 525 triệu đồng. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã tặng Hội Phụ nữ tỉnh 200 triệu đồng để hỗ trợ cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới, đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2023 - 2025.
Giai đoạn 2019 - 2024, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên nghèo khu vực biên giới 14 Mái ấm tình thương, tặng quà, học bổng cho học sinh, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, xây dựng cầu giao thông nông thôn, tặng bồn chứa nước… với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Hai bên duy trì thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, hỗ trợ hàng trăm học sinh với mức 500.000 đồng/tháng/em và chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/cháu…
Hàng năm, hai bên còn phối hợp tổ chức các chương trình như: Xuân đoàn kết - Tết yêu thương, Xuân Biên giới, Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản, Tết quân - dân, các hoạt động kỷ niệm nhân ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, “Ngày Biên phòng toàn dân” thiết thực, ý nghĩa.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và Hội phụ nữ tỉnh đã duy trì, triển khai hiệu quả chương trình phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; các chương trình, dự án giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hai bên đã đồng hành tổ chức các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo bằng những việc làm, hành động thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới, biển đảo; góp phần xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Tăng cường hợp tác bảo vệ biên cương
Bà Thái Thị Duy Ngân nhấn mạnh, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo quốc gia trong tình hình mới; đồng thời, tuyên truyền chống khai thác IUU; xây dựng các sản phẩm truyền thông như: Sách lật online, video ngắn, áp phích... để tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Cùng với đó, Hội tập trung nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Tổ tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”, gắn với thực hiện 4 tiêu chí phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”... Hội tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản, Triệu phần quà san sẻ yêu thương, Mẹ đỡ đầu... góp phần chăm lo cho phụ nữ; đặc biệt là hội viên, phụ nữ vùng biên giới, biển đảo. “Qua đó, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng khu vực biên giới, biển đảo vững mạnh toàn diện, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển” - bà Thái Thị Duy Ngân nhấn mạnh.
Kiên Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đóng vai trò cầu nối các tỉnh Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực. Tỉnh có đường biên giới bộ dài gần 50 km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kampot và Tà Keo của Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu chính Giang Thành; bờ biển dài hơn 200 km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo lớn nhỏ (trong đó 43 đảo có dân sinh sống).
Lê Huy Hải