Phát biểu kết luận cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 5/11 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu, thuyền, xử phạt nghiêm theo quy định những tàu, thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó bão số 10.
Xử phạt nghiêm chủ phương tiện không tuân thủ quy định an toàn trong thiên tai
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các đơn vị liên quan, các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…; tiếp tục thông báo, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu, thuyền, đặc biệt là các tàu trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện; xử phạt nghiêm theo quy định những tàu, thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai. Kiểm tra, hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 5/11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 49.884 phương tiện với 232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Các tàu, thuyền ở trong vùng nguy hiểm của bão chưa chấp hành lệnh thông báo, kêu gọi tránh trú vào nơi an toàn, vẫn còn diễn ra, gây nguy hiểm cho chủ tàu, thuyền viên và phương tiện, gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra sự cố.
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện, lưu ý đối với các hồ đập nhỏ, xung yếu; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng, chống thiên tai, sạt lở, khôi phục hệ thống điện (lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn).
Trước đó, ngày 19/10, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Bùi Văn Tám, chủ tàu cá QNg 90741 TS theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 104 ngày 14/9/2017 về hành vi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp, nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, tàu cá QNg 90741 TS không vào bờ tránh trú bão.
Bão số 10 gây mưa lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong ngày 5-6/11
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão. Từ chiều tối và đêm 5/11, trên đất liền ven biển Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Từ 7 giờ ngày 5/11 đến 7 giờ ngày 6/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên; vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Từ ngày 5-6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm/đợt; các tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Từ ngày 5-7/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh. Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động mạnh.
Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã sơ tán 2.178 hộ/8.125 người
Các tỉnh từ Quãng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán 7.688 hộ/28.285 người dân trước khi bão đổ bộ, hiện đã sơ tán 2.178 hộ/8.125 người. Cụ thể: Quãng Ngãi dự kiến sơ tán 1.019 hộ/3.855 người; đã sơ tán 1.166 hộ/4.543 người (ở các khu vực có nguy cơ sạt lở); Bình Định dự kiến sơ tán 1.019 hộ/4.288 người; Phú Yên dự kiến sơ tán 3.688 hộ/12.226 người; đã sơ tán 1.012 hộ/2.989 người (tại các khu vực nguy hiểm ven biển); Khánh Hòa dự kiến sơ tán 1.872 hộ/7.916 người.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại Thừa Thiên-Huế, đến 7 giờ ngày 5/11, mưa lũ và hoàn lưu sau bão số 9 đã làm 40 người chết (Nghệ An 10, Quảng Nam 28 (trong đó Nam Trà My 18, Bắc Trà My 1, Phước Sơn 9), Gia Lai 1, Đắk Lắk 1; 55 người mất tích gồm Quảng Nam 19 (Nam Trà My 14, Phước Sơn 4, Hiệp Đức 1), Bình Định 23, Kon Tum 1, Thủy điện Rào Trăng 3.
Để chủ động phòng tránh bão và mưa lũ, từ ngày 5/10 các lực lượng tạm dừng công tác tìm kiếm cứu nạn và sẽ tiếp tục triển khai sau khi bão tan, thời tiết thuận lợi.
Theo báo cáo nhanh ngày 5/11 của Bộ Giao thông vận tải, Quốc lộ 49 (Thừa Thiên-Huế) còn 4 điểm bị tắc, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 3 vị trí bị tắc (Quảng Bình 1, Quảng Trị 2); 252 nhà bị hư hỏng chưa khôi phục được (Quảng Bình 200, Đà Nẵng 7, Bình Định 40, Kon Tum 5). Người dân đang ở nhờ nhà người thân; riêng 18 hộ ở Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đang ở nhà tạm do bộ đội dựng.
Tại Nghệ An, đến 17 giờ ngày 4/11 vẫn còn 310 hộ bị ngập (thành phố Vinh 10, bãi sông xã Hưng Lợi, Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên 300 hộ). Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã khắc phục các điểm trường bị thiệt hại và cho học sinh đi học bình thường.
Trong ngày 4/11, ngành điện đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 16 xã; hiện còn 24 xã mất điện tại 2 tỉnh gồm Quảng Nam 7, Quảng Ngãi 17.
Thắng Trung