Tốc độ lây lan của sâu keo rất nhanh, chúng chủ yếu ăn lá, thân và nõn. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN |
Vụ ngô Xuân 2020 toàn tỉnh Yên Bái gieo cấy gần 11.900 ha ngô, diện tích ngô này đang trong giai đoạn từ 7-9 lá, một số cây cao ngang thắt lưng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 trở lại đây, nhiều diện tích ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái), đến ngày 16/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 230 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình. Trong số đó, diện tích nặng 20 ha, nhẹ 177 ha, trung bình 33 ha với mật độ phổ biến 2-4 con/m2, cao 4 -10 con/m 2. Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng và làm giảm năng suất, sản lượng. Bà Hoàng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, sâu keo mùa thu là loài sâu gây hại chủ yếu trên cây ngô, chúng thường ăn lá, thân và có tính gối lứa cao, con trưởng thành có khả năng sinh sản kéo dài từ 31 - 3.216 quả trứng. Qua kiểm tra và đánh giá, sâu keo mùa thu gây hại ở tất cả các giai đoạn trên cây ngô từ sau khi trồng đến khi ra bắp và chắc hạt, làm giảm năng suất từ 60 - 80%, thậm chí mất trắng. Năm nay, sâu keo mùa thu xuất hiện sớm hơn so với năm trước. Nhằm hạn chế tốc độ lây lan, cũng như giảm thiểu thiệt hại của sâu, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích ngô bị nhiễm sâu; yêu cầu Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức mở lớp tập huấn, thường xuyên cập nhật thông tin sâu keo mùa thu, tác hại cũng như các biện pháp phòng trừ qua các loa truyền thanh xã, thôn, bản. Giám sát, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu, phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
Sâu keo mùa thu gây hại ở cây ngô tại huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN |
Cùng với đó, thực hiện văn bản số 42/SNN-TTBVTV ngày 10/01/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái về việc sử dụng tạm thời thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô, chi cục khuyến cáo nhân dân phun phòng trừ sâu keo mùa thu bằng các loại thuốc như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectine benzoate… nhưng lưu ý bà con nên phun thuốc ở giai đoạn sau trồng cho đến trước khi cây ngô xoáy nõn, sắp trỗ, tập trung phun vào nõn hiệu quả đạt trên 80%. Người dân nên phun thuốc trong khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều mát, do thời điểm này sâu thường chui ra ngoài để gây hại nên khả năng sâu tiếp xúc với thuốc sẽ cao hơn. Ngoài ra, bà con áp dụng thêm biện pháp sinh học như: ưu tiên nhân thả các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm…; sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có độ ẩm cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm… Đối với diện tích chưa bị sâu bệnh, cơ quan chuyên môn tỉnh Yên Bái tiếp tục khuyến cáo bà con không chủ quan với sâu keo mùa thu; thường xuyên ra đồng kiểm tra, làm sạch cỏ và chủ động phun thuốc phòng trừ nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu keo mùa thu gây ra.
Đinh Thùy