Khởi sắc đời sống đồng bào dân tộc ở vùng biên giới Vĩnh Châu

Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là thị xã ven biển có đông đồng bào DTTS sinh sống (chiếm hơn 70%, trong đó hơn 53% là dân tộc Khmer). Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, giai đoạn I: 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo và đời sống của đồng bào DTTS Vĩnh Châu ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, Vĩnh Châu đã nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn từ trung ương và tỉnh nhà, có thể kể đến các chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…

Diện mạo mới ở vùng DTTS Vĩnh Châu

Có dịp gặp gỡ những người phụ nữ Khmer ở ấp Prây Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu như chị Danh Thị Sa Ri, Kim Thị Xem, Trần Thị Thu Vân, chúng tôi mới cảm nhận được rõ sự phấn khởi, biết ơn của đồng bào nơi đây. Họ đều đại diện cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người thì chồng đi biển xa, ở nhà làm nội trợ, người thì thay con cái mất sớm chăm lo cho 2 cháu đang độ tuổi ăn học… Nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, họ được hỗ trợ gạo, mỳ, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, rau củ quả trái cây… và nhiều thực phẩm để ổn định cuộc sống, yên tâm đi lao động kiếm thêm thu nhập.

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 1.jpg
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần làm cho hạ tầng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: An Hiếu

Còn đây là ông Phan Văn Nguôn, hộ gia đình cận nghèo ở ấp Năm Căn, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Đứng bên căn nhà khang trang mới được hỗ trợ vốn để xây cất, ông rưng rưng xúc động, không nói nên lời, chỉ biết hướng về căn nhà cũ xiêu vẹo sắp đổ ở ngay kế bên và để chúng tôi tự so sánh. Ông Hứa Việt Khôi, trưởng ấp Năm Căn chia sẻ đây là 1 trong 3 ngôi nhà ấp ông được nhận từ nguồn hỗ trợ của bộ đội biên phòng, trị giá mỗi căn 50 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Nguyền, Chủ tịch UBND xã Lai Hòa, xã ông hiện có trên 5500 hộ gia đình với khoảng 29.000 nhân khẩu, trong đó có tới 73% là đồng bào Khmer, sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm và trồng màu. Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của xã khoảng 1.350 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là 275 triệu đồng.

Thu nhập bình quân theo đầu người hiện là 63 triệu/người/năm, hiện chỉ còn 79 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,43%; 825 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,98%. UBND xã đã cấp phát 88 tấn gạo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, tặng 1.400 phần quà với số tiền hơn 500 triệu đồng, hỗ trợ 44 căn nhà cho 44 hộ nghèo, mỗi căn trị giá 44 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện hơn 1,9 tỷ đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 40 hộ nghèo với số tiền 400 triệu đồng.

IMG_4219.JPG
Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực lao động đến nay mô hình trồng màu kết hợp nuôi trồng thủy sản của gia đình Ông Thạch Sây Ha, ấp Nô Thum, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã đạt năng xuất cao, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: An Hiếu

Có thể nói, nỗ lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo thị xã Vĩnh Châu theo hướng khởi sắc. Theo UBND thị xã Vĩnh Châu, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019-2024 bình quân đạt 5,15%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 11 tỷ 985 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 1.320 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 9.600 tỷ đồng.

Thị xã hiện còn 1.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%, trong đó hộ nghèo DTTS là 1.034 hộ; hộ cận nghèo là 5.150 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17%, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 3.701 hộ. Tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Vĩnh Châu có 9 xã, phường thuộc khu vực I, trong đó có 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn. Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS, thị xã Vĩnh Châu xác định sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến các xã, phường trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung.

IMG_4279.JPG
Giờ đây đời sống văn hóa, tinh thần của các thanh niên Khmer được các cấp chính quyền thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đầu tư, quan tâm, chăm lo. Ảnh: An HIếu

Ông Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, tính đến nay thị xã đã đầu tư xây dựng 28 công trình giao thông nông thôn, xây mới 1 chợ, sửa chữa nâng cấp 3 chợ, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 63% ấp, khóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Sức mạnh từ những nguồn lực

Ông Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu phấn khởi chia sẻ với nhóm phóng viên chúng tôi về nguồn vốn hơn 318 tỷ đồng địa phương được nhận để triển khai các dự án và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như hỗ trợ 693 căn nhà với số tiền 30 tỷ đồng, chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ 309 hộ vay 11 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất ở cho 84 hộ với số tiền trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1000 hộ chuyển đổi nghề với số tiền trên 10 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 503 hộ với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất với 17 mô hình chăn nuôi, trồng trọt với số tiền trên 4,7 tỷ đồng…

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 2.jpg
Tuyến đường kiểu mẫu trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở ấp Nô Thum, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Chỉ tính riêng giai đoạn 2022-2024, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã đầu tư trên 124 tỷ 573 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2019-2024 thực hiện trên 36 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2019-2024 cấp trên 157 tỷ đồng, đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống đồng bào.

5 năm qua, thị xã Vĩnh Châu đã đào tạo nghề cho gần 4000 lao động; trên 2.600 lao động được giải quyết việc làm. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các DTTS được quan tâm thực hiện tốt, hệ thống y tế được củng cố, tăng cường. Hoạt động dạy và học vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên tham gia giảng dạy tiếng dân tộc.

Đặc biệt, ngôi trường mới mang tên Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú đang được đầu tư xây dựng trên khu đất rộng hơn 20.000 m2 tại xã Vĩnh Tân với tổng kinh phí trên 97 tỷ đồng. Năm học 2024-2025, trường có 14 lớp, khối trung học cơ sở 247 em và trung học phổ thông 210 em, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện học tập tốt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, đỗ cao đẳng, đại học đạt 70-80%.

IMG_4944.JPG
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) luôn chú trọng, quan tâm, tạo điều kiện để phát huy, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của con em đồng bào Khmer. Ảnh: An Hiếu

Thời gian tới đây, thị xã Vĩnh Châu xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chú trọng nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.

Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, các ấp đặc biệt khó khăn từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung và thị xã Vĩnh Châu nói riêng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, đời sống của nhiều hộ đồng bào Khmer vùng ven biển của thị xã Vĩnh Châu ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

Thu Hương

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm