Sáng 25/8/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở.
Dự án được triển khai trong 5 năm tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 126 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới là 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành dự án, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Lãnh đạo UBND, Sở Y tế 13 tỉnh thực hiện dự án đã tham dự Hội nghị.
Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án. Hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Theo đó, dự án sẽ xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện của 13 tỉnh vừa nêu; cung cấp trang thiết bị cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế . Bên cạnh đó, dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ y tế cơ sở về các nội dung như: Truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm.
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Y tế cơ sở như nền tảng, bàn đạp của ngành y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”, trên thực tế công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta trong thời gian qua cho thấy y tế cơ sở đã phát huy hiệu quả.
Với quan điểm phục vụ nhân dân nhanh nhất, gần nhất, do đó trong các chính sách của Đảng, Nhà nước... đều khẳng định tầm quan trọng của y tế cơ sở và nhất quán quan điểm về vai trò chức năng của y tế cơ sở .
“Trong thời gian qua, chúng ta đã dành nhiều quan tâm đến y tế cơ sở, tuy nhiên để nâng cao vai trò của y tế cơ sở cũng cần phải quan tâm hơn nữa. Hiện vẫn còn nhiều mục tiêu về phát triển y tế cơ sở chưa thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra... Do đó, chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để hoàn thành mục tiêu chăm sóc sức khoẻ, để người dân ngày càng được chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở tốt hơn”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đổi mới hoạt động của y tế cơ sở là làm thế nào để người dân được hưởng dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại cơ sở. Hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh thực hiện việc này, Bộ sẽ kết nối trên toàn tuyến, tuyến tỉnh, huyện, xã; kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. “Phương thức kết nối hệ thống sẽ là 1 thầy thuốc trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Cùng với đó, tuyến xã cũng sẽ được đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức chi trả với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân tuyến xã được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể”, quyền Bộ trưởng thông tin.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ khai trương đề án khám chữa bệnh từ xa kết nối 1000 cơ sở khám, chữa bệnh hướng đến mục tiêu không còn giới hạn về không gian trong khám, chữa bệnh, tạo nên sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
“Mục tiêu của dự án là thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị của địa phương. Tuy nhiên, chúng ta không nên đầu tư tràn lan mà đầu tư trọng điểm, ví như trạm y tế nào xuống cấp quá thì đầu tư, cán bộ y tế tại trạm sử dụng được bao nhiêu kỹ thuật thì đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp. Trong dự án này có sự phân công, phân cấp rõ trách nhiệm. Do đó, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo địa phương tham gia dự án rất nặng nề, đầu tư ở đâu, chỗ nào, như thế nào cho hiệu quả... tránh lãng phí không cần thiết”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Cả nước hiện có gần 11.000 trạm y tế, trong số đó hơn 1 nửa số trạm phải nâng cấp, sửa chữa. Nhiều trạm thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu các loại thuốc thiết yếu. Dự án lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án.
PV