Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình

Trong những ngày nghỉ lễ, để tìm một điểm du lịch thú vị và mới lạ gần Thủ đô Hà Nội, du khách hoàn toàn yên tâm khi dành cho mình một chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng đầy thú vị khi đến với tỉnh Hòa Bình.

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình ảnh 1 Cảnh quan hùng vĩ với núi non trùng điệp cùng các tiểu cảnh điểm xuyến nên thơ trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Khám phá nét đẹp hồ thủy điện

Để trải nghiệm du lịch vùng hồ thủy điện Hòa Bình bằng tàu du lịch, xuất phát từ bến tàu du lịch Thung Nai (huyện Cao Phong) hoặc từ bến cảng Bích Hạ cách thành phố Hòa Bình hơn 4 km, du khách lên tàu khám phá vẻ nên thơ mà hùng vĩ của cảnh quan sông Đà, ghé thăm các bản làng dọc hai bên bờ sông như bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm, xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)… Đây là lộ trình đang được khá nhiều du khách trong nước, quốc tế lựa chọn khi đến du lịch tại Hòa Bình.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm chia sẻ, Khu Du lịch hồ Hòa Bình nằm trong khu vực hồ thủy điện Hòa Bình - hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m3 nước. Hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác. Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình định hướng đến năm 2035, tạo cơ hội lớn cho tỉnh. Tuy vậy, đây cũng là thách thức cho ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình khi phải tìm cách thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, vừa phải giữ gìn, quảng bá và khai thác được vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa của người dân bản địa. Một trong các định hướng phát triển ngành Du lịch của tỉnh là trải nghiệm lòng hồ Hòa Bình - sản phẩm hấp dẫn giúp du khách khám phá đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, văn hóa cũng như mảnh đất, con người vùng hồ Hòa Bình.

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình ảnh 2Tàu du lịch đưa du khách ghé thăm và trải nghiệm tại xóm Ké, xã Hiền Lương, Đà Bắc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Người dân sống tại bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong, Đá Bia, Tiền Phong... luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong từng nếp nhà sàn với những giá trị văn hóa cổ xưa như những làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình diễn chiêng Mường đặc sắc. Cùng với sự mến khách, sống chan hòa với thiên nhiên của người dân nơi đây sẽ tạo ra những thiện cảm của du khách khi muốn tìm hiểu đời sống văn hóa của người Mường. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị và phù hợp với mọi lứa tuổi tại Đá Bia như chèo thuyền kayak, bơi lội, đi thuyền ngắm cảnh, câu cá, kéo tôm, đạp xe, đi bộ ở những cung đường ngắm ruộng bậc thang hay cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng, thu hoạch nông sản, học nấu các món ăn truyền thống, gói bánh ốc, nhảy sạp, thưởng thức rượu cần của người Mường khi màn đêm buông xuống.

Du khách có thể tham quan các hang động đá vôi còn nguyên sơ trong khu du lịch hồ Hòa Bình như động Thác Bờ, động Hoa Tiên (xã Suối Hoa, Tân Lạc) - những danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đây là những hang động thạch nhũ đẹp với hình thù, màu sắc đa dạng nằm trong hệ thống cảnh quan thiên nhiên giao hòa giữa mặt nước hồ sông Đà trong xanh với cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ.

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình ảnh 3Du khách có rất nhiều các lựa chọn nghỉ ngơi khi dừng chân tại các Homestay chất lượng cao của người dân địa phương. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tạo điểm nhấn mới

Loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ kết hợp cùng tour du lịch khám phá hồ Hòa Bình đã tạo ra một điểm nhấn mới thu hút du khách trong và ngoài nước. Nắm bắt được lợi thế của địa phương và xu hướng của thị trường, ngành Du lịch Hòa Bình đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và nhân dân bản địa hiểu được tầm quan trọng của phát triển du lịch trong sự phát triển chung về kinh tế- xã hội của vùng. Nhiều nhà đầu tư đã đến và các khu du lịch đã được đầu tư cơ sở vật chất, phát triển gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch cung cấp tới du khách. Đến nay, Hòa Bình có hơn 100 điểm du lịch cộng đồng, phân bố rộng khắp, nổi bật là khu nghỉ dưỡng cao cấp Ba khan village resort, Kim Bôi Serena cùng các điểm du lịch cộng đồng như bản Lác, bản Ké, xóm Đá Bia…

Chương trình khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch tâm linh để có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán và cuộc sống của đồng bào Mường khu vực lòng hồ Hòa Bình đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Ngắm bản làng trong những buổi sớm mai hay những buổi chiều hoàng hôn cùng khói lam chiều bảng lảng, thực sự sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận thật ấn tượng và yên bình về một vùng đất chứa đựng nhiều điều hấp dẫn của văn hóa Mường Hòa Bình.

Chủ nhà nghỉ Lake View homestay (xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) Đinh Thị Yệu cho biết, du lịch lòng hồ Hòa Bình là một tour mới và rất đa dạng các hoạt động trải nghiệm. Đến đây du khách được tìm hiểu văn hóa của người Mường Ạu Tá, thông qua nghi lễ tâm linh, ngôn ngữ, trang phục, phương thức sản xuất và ẩm thực. Du khách rất thích thú khi được nghe câu chuyện về nhà sàn. Bên cạnh đó, họ được tham gia lao động sản xuất với người dân, từ việc thu nuôi cá trên lòng hồ đến chăn nuôi, trồng trọt. Vào mùa hè, khách du lịch lựa chèo thuyền, lội suối... Giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát, thơ mộng của xứ Mường, du khách sẽ cảm nhận sự thư thái, bình yên và tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc. Du khách sau chuyến đi đã có những chia sẻ và đánh giá rất tốt chất lượng phục vụ cũng như là những giá trị của tour du lịch khám phá hồ Hòa Bình và có mong muốn tiếp tục trở lại đây vào một ngày gần nhất.

Khu Du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016, đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực, là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch, dự án thành phần nhằm mục tiêu phát huy giá trị hồ Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch và kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình (xã Thái Thịnh, các phường Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh) và 4 huyện Đà Bắc (xã Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn), Cao Phong (xã Bình Thanh và Thung Nai), Tân Lạc (xã Ngòi Hoa, Phú Vinh và Trung Hòa), Mai Châu (xã Tân Dân, Tân Mai, Phúc Sạn, Đồng Bảng và Ba Khan).

Với sự thuận lợi về vị trí địa lý như gần Thủ đô Hà Nội, sân bay Nội Bài, có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng những nỗ lực mở cửa, chính sách phù hợp để chào đón, khuyến khích các nhà đầu tư của các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình, tương lai nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hàng đầu trong hành trình lựa chọn các loại hình du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm