Phú Yên đóng cửa rừng tự nhiên, khai thác gỗ rừng trồng. Ảnh: Thế Lập–TTXVN |
* Xin ông cho biết, những kết quả mà ngành lâm nghiệp dự kiến sẽ đạt được trong năm 2017? - Năm nay, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản có thể đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10% so với kế hoạch. Có được con số xuất khẩu lớn như vậy nhưng kim ngạch nhập khẩu của ngành thấp, đến thời điểm này khoảng trên 1,8 tỷ USD. Như vậy, thặng dư của ngành rất lớn và giá trị của ngành mang lại chủ yếu là rừng trồng. Năm nay, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung sẽ đạt 19 triệu m3. Như vậy, rừng trồng càng trở nên ý nghĩa với người làm nghề rừng, thúc đẩy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn quốc liên tục tăng từ 39,7% (năm 2011) đến 41,19% (năm 2016), dự kiến năm 2017 là 41,45%. Tỷ lệ che phủ rừng mang ý nghĩa quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy, con đường giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu chính là lâm nghiệp. Về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên phạm vi cả nước đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Số vụ vi phạm giảm dần, từ trên 39.000 vụ/năm ở giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn trên 26.000 vụ/năm giai đoạn 2012 – 2016. Diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm từ trên 5.500 ha/năm của giai đoạn trước xuống còn gần 3.000 ha/năm giai đoạn 2012 – 2016. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã giảm 22% số vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; giảm 69% diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ năm 2016. Trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai và đến nay đã đạt gần 200.000 ha rừng. Một số chỉ tiêu trồng rừng đạt chưa cao nhưng riêng trồng rừng sản xuất đạt gần 100%. Năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã đạt trên 224.000 ha. Như vậy có thể thấy, đã có sự đầu tư mạnh của người dân vào lâm nghiệp. Lâm nghiệp đang trở thành ngành kinh tế quan trọng.* Dịch vụ môi trường rừng từng bước trở thành nguồn tài chính quan trọng, đến thời điểm này, nguồn thu này như thế nào, thưa ông? - Đúng là dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Nguồn thu này góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Đầu năm, chúng tôi đặt kế hoạch sẽ thu khoảng 1.650 tỷ đồng trong điều kiện Nghị đinh 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện và ngành điện tăng giá điện. Tuy nhiên, năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã đòi được một số nợ gốc và ký thêm được các hợp đồng nên nguồn thu năm nay sẽ đạt 1.700 tỷ đồng. Đây là con số rất có ý nghĩa khi mà đầu tư của nhà nước cho lâm nghiệp không được nhiều. Nguồn kinh phí này sẽ giúp người trồng rừng có thêm động lực tái đầu tư và bảo vệ rừng và từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn. Dịch vụ môi trường rừng là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người. Đây cũng là điểm mới khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.* Những nhiệm vụ trọng tâm thời gian của ngành lâm nghiệp là gì, thưa ông? - Ngành sẽ triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 với các đề án: bảo vệ rừng ven biển, bảo vệ rừng Tây Bắc, Tây Nguyên... Đồng thời, khai thác có hiệu quả 3 triệu ha rừng sản xuất. Đặc biệt, tính toán sao cho phải lấy rừng nuôi rừng, chứ không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Hiện nay, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng phần lớn là từ thủy điện, nhưng cũng cần tìm đến các nguồn thu khác như: tín chỉ các bon, thủy sản, du lịch, nước sạch... Bên cạnh đó, tính đúng, tính đủ và chi đúng, chi đủ nguồn tài chính này cho những nơi rừng đã sản sinh ra những giá trị đó. Một trong những định hướng của ngành thời gian tới là quản lý chặt, đúng các quy định về quản lý rừng tự nhiên, không thể để tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không được kiểm soát. Hiện nay đã có 46 tỉnh thành có đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với trên 2.800 dự án gồm trên 131.000 ha. Đây là con số lớn nên chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ từng dự án. Những dự án nào thực sự cần thiết, thiết thực cho địa phương thì sẽ đề xuất cho chuyển đổi. Cùng với đó là xây dựng cơ chế chính sách sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành với dự kiến 3 Nghị định và một số Thông tư. * Xin cảm ơn ông!
Bích Hồng