Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai”

Các loại Gùi của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Các loại Gùi của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Ngày 5/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra Lễ khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời với chủ đề “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai”. Không gian trưng bày, triển lãm cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên diễn ra đến ngày 31/12/2024.

Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” ảnh 1Khu Nhà voi của dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Giữa không gian mát mẻ, rợp bóng cây xanh, Quảng trường Đại Đoàn Kết sẽ là điểm trưng bày hàng ngàn cổ vật trong bộ sưu tập hơn 30 ngàn hiện vật của Nhà sưu tập Đặng Minh Tâm. Với các nhóm chủ đề chính như: công cụ âm nhạc; công cụ săn bắt, hái lượm; công cụ dệt; hiện vật lễ nghi; hiện vật trang sức và các hiện vật khác trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên…, Không gian trưng bày sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng thể về các tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, tại Không gian trưng bày, triển lãm lần này sẽ giới thiệu đến công chúng “bảo vật” Ghế xương voi (voi trắng) có niên đại 700 năm cùng bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên có niên đại trên 100 năm của dân tộc M’Nông - Lào.

Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” ảnh 2“Bảo vật” Ghế xương voi (voi trắng) có niên đại 700 năm cùng bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên cũng có niên đại trên 100 năm của dân tộc M’Nông- Lào. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; tạo ra không gian tái hiện các giá trị văn hóa, trưng bày hiện vật mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Thông qua trưng bày góp phần giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cùng với các hoạt động, sự kiện khác của tỉnh, Không gian trưng bày sẽ tạo điểm đến thu hút khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” ảnh 3Các loại trống da động vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” ảnh 4Nghề dệt vải thủ công - nét văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” ảnh 5Các loại Gùi của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, nhằm giúp du khách, công chúng được tham quan, trải nghiệm và tương tác với các hiện vật, chủ nhân của bộ sưu tập…, trưng bày, triển lãm lần này thực hiện theo hình thức không gian mở. Du khách, công chúng sẽ trực tiếp được trải nghiệm một cách chân thực nhất về các không gian văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên như dệt vải; được cảm nhận những nét tinh tế của hoa văn trên hiện vật, sự mềm mại của từng sợi thổ cẩm… Thông qua các hoạt động sẽ giúp nhân lên tình yêu, niềm đam mê và cái nhìn chân thực của công chúng đối với tinh hoa, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên - Di sản văn hóa của nhân loại.


Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm