Kẽ hở trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Yên Bái

Kẽ hở trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Yên Bái
Nhiều hàng thịt lợn bán rong không được kiểm soát ngoài vỉa hè ở thành phố Yên Bái là nguồn lây lan dịch bệnh. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Nhiều hàng thịt lợn bán rong không được kiểm soát ngoài vỉa hè ở thành phố Yên Bái là nguồn lây lan dịch bệnh. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, tính đến hết ngày 12/8/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.444 hộ; 217 thôn, bản, tổ; 89 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái. Tổng số lợn mắc bệnh 5.447 con, tiêu hủy 8.921 con, trọng lượng 421.804 kg. Điều đó đã khẳng định diễn biến của dịch tả lợn châu Phi ở Yên Bái còn rất phức tạp, khó lường. Trong khi đó, việc kiểm soát giết mổ và quản lý nguồn thịt lợn tươi sống được vận chuyển từ những vùng có dịch tả lợn châu Phi vào Yên Bái để bán vẫn còn nhiều kẽ hở, vì vậy việc thực hiện mục tiêu khống chế dịch ở Yên Bái sẽ còn nhiều khó khăn. 

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để thu thập thông tin tại cơ sở. Tại các quầy hàng bán thịt lợn tươi sống của các chợ tạm ở vùng nông thôn Yên Bái, đa phần các quầy bán thịt lợn được bày bán tự do. Còn tại các chợ lớn ở thành phố thì chủ nhân của các quầy thịt đã có đăng ký kinh doanh "bảo đảm" để được bán hàng hợp pháp từ lâu rồi. Do luật quy định nên cơ quan chức năng không thể truy suất nguồn gốc thực phẩm của người bán hàng được.

Chị T ở chợ Đồng Tâm Km 4 thành phố Yên Bái cho biết: "Gia đình em có truyền thống bán thịt lợn ở đây nên khách hàng đã quá quen rồi vì vậy chúng em phải đảm bảo được uy tín của mình mới bán được. Thịt nhập vào để bán có ngon hay không chủ yếu do kinh nghiệm bán thịt lâu năm chứ làm sao mà biết được thịt lợn ấy là ở vùng có dịch hay không. Ngay cả tại các cơ sở giết mổ, họ cũng phải mua lại của đội quân thu mua lợn ở nhiều nơi khác nhau. Người mua cũng chỉ nhìn thấy lợn khỏe mạnh là mua chứ làm sao mà biết được đó là lợn đang trong thời kỳ ủ bệnh (thời kỳ chưa có biểu hiện của lợn ốm nhưng trên thực tế đã nhiễm tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút...)?".

Ngoài các quầy bán thịt lợn trong các chợ, thành phố Yên Bái còn có cả "đội quân" bán thịt lợn rong trên khắp các nẻo đường, ngách phố. Họ là những người dân ở rất nhiều nơi, người dân của tỉnh Yên Bái có, ngoài tỉnh đổ về thành phố Yên Bái cũng khá nhiều, đặc biệt là đội bán thịt lợn rong từ huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ đổ về thành phố Yên Bái có lẽ không thể đếm xuể.

Tham gia vào đội quân "hùng hậu" này còn có cả những người ở xã Minh Quân (xã hiện vẫn đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành) cũng đổ về thành phố Yên Bái để bán thịt lợn tươi sống rong ruổi trên hè phố. Chẳng cần phải đi đâu xa, cứ khoảng 6 giờ sáng tại đầu đường Lê Lợi, thành phố Yên Bái (ngã tư đèn đỏ Km4 đi vào nhà máy sứ) hôm nào cũng có vài chục người bán thịt rong. Họ bày bán công khai không giấy tờ bảo lãnh và ai cũng đều biết họ là người ở huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ nơi đã bị báo chí phanh phui là chính quyền giấu không công bố dịch tả lợn châu Phi hay là người ở xã Minh Quân huyện Trấn Yên của tỉnh Yên Bái. 

Chị D. ở xã Đan Hà huyện Hạ Hòa cho biết: "Tôi đã bán thịt ở đây nhiều năm rồi, mỗi ngày chúng tôi bán được từ 30-35 kg thịt lợn, nhưng thời gian này do có dịch nên chỉ bán khoảng 15 đến 20 kg vì vậy chúng tôi phải bán kèm theo thịt gà nữa". Cũng theo chị D, để lọt qua được các chốt kiểm dịch thì phải "lách" bằng nhiều cách như: luồn lách qua các đường làng, ngõ xóm để qua chốt kiểm dịch. Còn nhiều người khác thì họ để thịt vào cốp xe máy, cho vào thùng đựng cá hay để trong các thùng xốp bên dưới là thịt lợn, bên trên là thịt gà, thịt bò hay 4 đến 5 người chung nhau vận chuyển bằng taxi, thậm chí bằng đường thủy để vượt qua các chốt kiểm dịch...

Lý giải cho tình trạng người bán thịt lợn rong tại thành phố Yên Bái, Bà Phạm Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết, trên thực tế, những hàng thịt lợn bán rong đã tồn tại nhiều năm nay nhưng việc kiểm soát lưu thông còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng do lực lượng mỏng trong khi địa bàn rộng, nhiều tuyến đường từ các huyện dẫn vào trung tâm thành phố nên kiểm tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đặc biệt, theo quy định của pháp luật thì cũng không dễ để bắt giữ những người bán thịt lợn rong trên đường phố nên hiện các quan chức năng chỉ tập trung tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nhắc nhở là chính mà không dễ để có thể thu giữ hay xử phạt hành chính người bán hàng thịt lợn rong được (các cơ quan chức năng cũng chỉ có quyền thu giữ và tiêu hủy nếu xét nghiệm đó là thịt mang mầm dịch bệnh, còn sau khi xét nghiệm không phải thịt nhiễm dịch bệnh thì phải hoàn trả lại cho người dân).

Cùng quan điểm trên, ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh cho biết, thực tế là Tổ công tác liên ngành không thể kiểm soát hết được lượng thịt lợn lưu thông  trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt.

Đặc biệt, cần huy động thêm nguồn nhân lực để thành lập các tổ kiểm soát lưu động thường xuyên kiểm tra trên các trục đường liên xã, liên thôn. Mặt khác cũng cần phải có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm có như vậy mới có thể kiểm soát được tình trạng này.
Đức Tưởng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm