Ông Ngân Văn Sùng, trú tại bản Khuông, xã Nam Xuân (Thanh Hóa )có thu nhập khoảng 60 triệu/năm nhờ trồng luồng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Đây là chứng chỉ chứng nhận bảo vệ rừng dùng cho các nhà quản lý rừng, hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng, đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Bản Tân Sơn (xã Thanh Xuân) là một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hoá. Với diện tích tự nhiên 1.743 ha trong đó diện tích đất có thể trồng lúa nước chỉ vỏn vẹn 15 ha thì cái đói, cái nghèo luôn bủa vây cuộc sống của bà con trong bản. Mãi đến những năm 1980-1990, nhà nước triển khai việc trồng luồng thì đời sống của bà con bản Tân Sơn mới dần thay da đổi thịt. Đến nay, cả bản có 147 hộ với hơn 600 nhân khẩu thì 100% số hộ trong bản đều trồng luồng, nhà ít cũng có 2-3 ha cây luồng, cho thu nhập trung bình 15-20 triệu/ha/năm. Hiện tại xã Thanh Xuân, người dân đang rất phấn khởi vì rừng tre luồng được cấp Chứng chỉ FSC, bởi từ đây, thu nhập của họ sẽ được cải thiện do sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững. Là một trong những hộ dân có rừng tre luồng được cấp chứng chỉ FSC, anh Cao Văn Thụ, bản Tân Sơn cho biết, trước đây, rừng luồng của gia đình được trồng theo kiểu cha truyền - con nối, không có biện pháp cũng như kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá.
Rừng luồng huyện Quan Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Đến khi UBND huyện Quan Hóa có chủ trương thúc đẩy các nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, gia đình anh bắt đầu trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng luồng của gia đình đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật, bón phân theo quy định… nên năng suất, chất lượng cây luồng được cải thiện rõ rệt. Hiện gia đình có 4 ha rừng luồng được được cấp chứng chỉ FSC. Ông Phạm Hồng Tia, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân khẳng định, toàn xã Thanh Xuân có 1.866 ha trồng luồng, trong đó; có 441,5 ha rừng luồng được cấp Chứng chỉ FSC. Nếu như trước kia trung bình 1 ha rừng luồng cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm thì rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC sẽ có thể cho thu nhập tới 30 triệu/ha/năm. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng luồng theo kiểu tự do, mạnh ai nấy làm nên khi vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC gặp nhiều khó khăn. Bởi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC thì người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Để vận động bà con nhân dân, UBND huyện Quan Hóa đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh mời các chuyên gia về đánh giá, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật… và giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi trồng rừng theo tiêu chuẩn. Khi đã hiểu rõ lợi ích từ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC các hộ dân đều hưởng ứng thực hiện. Còn chị Lương Thị Nguyệt, bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa cho biết, với 8,4 ha luồng được cấp Chứng chỉ FSC, gia đình sẽ không còn phải lo đầu ra cho cây luồng mỗi khi đến kỳ khai thác. Luồng đến tuổi khai thác sẽ được Công ty Cổ phần BWG Mai Châu thu mua và hỗ trợ 2 giá so với giá thị trường. Do đó, các hộ trồng rừng rất an tâm sản xuất. Hiện nay, huyện Quan Hóa có 2.369 ha rừng luồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho cây luồng, tập trung ở 4 xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn và Phú Lệ với 545 hộ tham gia. Toàn bộ diện tích rừng luồng cấp Chứng chỉ FSC được thực hiện chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững. Khi tham gia trồng rừng luồng theo chuẩn quốc tế FSC, người dân phải đảm bảo được các tiêu chí và nguyên tắc của Hội đồng Quản lý rừng thế giới FSC đề ra. Ðể tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, huyện Quan Hóa đã chủ động đẩy mạnh phục tráng rừng luồng, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường lâm sinh tạo thuận lợi cho hoạt động thu mua, vận chuyển. Ðồng thời, tất cả các khâu từ trồng, sản xuất đến chế biến luồng đều được quan tâm hơn. Bà Hà Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, rừng luồng ở 4 xã được đánh giá đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của quốc tế về quản lý rừng. Đây được xem là "chìa khóa" để đưa sản phẩm của địa phương thâm nhập vào những thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ với các yêu cầu khắt khe về sự minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ sản xuất, sử dụng lao động và trách nhiệm đối với xã hội. Để nâng cao giá trị cho cây luồng, huyện đang phối hợp với ngành lâm nghiệp phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; hướng dẫn các hộ đăng ký tham gia phục tráng rừng luồng, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng... Năm 2019, huyện chỉ đạo thâm canh phục tráng rừng luồng 1.800 ha ở 12 xã với 1.335 hộ tham gia. Đây sẽ là tiền đề để huyện Quan Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình diện tích rừng trồng tre luồng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC ra một số xã lân cận để phát huy hơn nữa thế mạnh của địa phương trong phát triển lâm nghiệp. Điều đáng mừng là ngay khi huyện Quan Hóa có 2.369 ha rừng luồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, Công ty BWG Mai Châu (Cụm Công nghiệp Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình) đơn vị sản xuất tre ép công nghiệp và nội thất tre đã ký thỏa thuận hợp tác cung ứng trực tiếp với nhóm 545 hộ dân của huyện Quan Hóa. Với diện tích rừng luồng được câp chứng chỉ FSC, phía Công ty BWG Mai Châu khẳng định sẽ trực tiếp thu mua sản phẩm của bà con và đảm bảo thu nhập của người dân tăng lên 15-20%. Đặc biệt các sản phẩm chế biến từ luồng Quan Hóa sẽ được công ty xuất khẩu đi khắp thế giới, nhất là hướng đến các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và đối tác lớn nhất hiện nay là Tập đoàn Ikea Thụy Điển.
Hoa Mai