Huyện Châu Đức chuyển đổi phát triển sản xuất ca cao theo chuỗi giá trị

Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích cây ca cao lớn nhất của tỉnh với gần 600 ha/625 ha của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng cây ca cao, năng suất đạt từ 2,4 - 3 tấn hạt khô/ha/năm. Dù được xác định là cây trồng chủ lực của huyện, sản lượng ca cao hiện nay của huyện Châu Đức chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp. Hiện nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ca cao.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_phat_trien_cay_ca_cao_7466253.jpg
Anh Trần Đình Tín, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, mở rộng diện tích trồng cây ca cao. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Anh Trần Đình Tín, ở ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức trước đây có 1,5ha đất trồng tiêu, những năm gần đây cây tiêu già cỗi, sâu bệnh nhiều nên anh đã phải phá bỏ cây tiêu để chuyển qua cây trồng khác. Thấy nhà người bà con có 5 sào trồng ca cao đã được 20 năm nhưng trái ra vẫn rất ổn định, cây hầu như không bị sâu bệnh hại, giá bán cũng như đầu ra đều rất ổn định…Vì vậy, anh quyết định trồng ca cao trên diện tích đất vừa chặt bỏ cây tiêu.

Năm 2023 anh Tín trồng thử 5 sào ca cao, thấy cây phát triển tốt, nên mùa mưa này anh quyết định trồng hết 1ha đất còn lại. Đợt này anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức hỗ trợ 950 cây giống ca cao.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_phat_trien_cay_ca_cao_7466250.jpg
Gia đình anh Trần Đình Tín, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, được Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức hỗ trợ 950 cây giống ca cao. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Đặng Quốc Hùng, ở ấp Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cũng có vườn ca cao diện tích 5 sào trồng được gần 2 năm, tuy mới trồng nhưng cây rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên phát triển tốt, đến nay đã cho ra hoa. Thấy cây phát triển nhanh nên mùa mưa này ông Hùng đã nhận hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức 950 cây giống ca cao để trồng xen canh trong vườn mít và chuối với diện tích 1ha.

Theo ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc Hợp tác xã Ca cao Châu Đức, hợp tác xã được thành lập vào 8/2022, ban đầu chỉ có 11 hộ tham gia, với diện tích khoảng 60 ha đến từ các xã Xà Bang, Bình Giã, Sơn Bình (huyện Châu Đức) và xã Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ). Đến nay số thành viên đã lên 86 hộ, với diện tích khoảng 80 ha.

“Cây ca cao đã bén rễ tại huyện Châu Đức đã khoảng 20 năm với sự thăng trầm, đây là địa phương có vùng nguyên liệu lớn nhất về cây ca cao. Sản phẩm ca cao của huyện đã được nhiều công ty trong lẫn ngoài nước tìm đến thu mua để xuất khẩu. Hiện, chúng tôi có rất nhiều đơn hàng từ đối tác đặt hàng nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Nên ca cao của bà con thu hoạch đến đâu đều được chúng tôi thu mua hết đến đó, không lo về đầu ra và giá cả. Vì thế, bà con trồng cây ca cao yên tâm mở rộng diện tích tại thời điểm này”, ông Lê Ngọc Cần chia sẻ.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_phat_trien_cay_ca_cao_7466256.jpg
Ông Đặng Quốc Hùng, ấp Bình Sơn, xã Đá Bạc và đại diện Hợp tác xã ca cao Châu Đức kiểm tra cây giống ca cao trước khi trồng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ngoài việc mở rộng diện tích, hiện nay Hợp tác xã Ca cao Châu Đức cũng khuyến khích nông dân phát triển diện tích ca cao theo tiêu chuẩn VietGAP và quy chuẩn organic để rộng đường xuất khẩu.

Ca cao ở Châu Đức được xếp vào nhóm 100 loại ca cao có hương vị ngon của thế giới. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các hợp tác xã cũng như nông dân trên địa bàn huyện thực hiện quy trình chăm sóc vườn cây, thu hoạch trái tươi, lên men hạt ca cao rất nghiêm ngặt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết: Cây ca cao được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Châu Đức và hiện đang được nông dân trồng khá nhiều. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển cây ca cao. Để phát triển trồng mới cây ca cao UBND huyện đã có chương trình về hỗ trợ cây giống, phân bón cho bà con.

Theo đó, UBND huyện thông qua chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ kinh phí hơn 5 tỷ đồng để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện quy trình canh tác cây ca cao phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…

Song song đó, địa phương cũng đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân; tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng gắn với chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ nhiều hơn cho người dân về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng chống các đối tượng dịch hại tấn công cây ca cao, gây thiệt hại cho nông dân.

Ngoài việc, một số doanh nghiệp triển khai liên kết thu mua trái ca cao tươi của bà con nông dân để sản xuất ra các sản phẩm như: bột ca cao, kẹo socola, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao… và xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Tại huyện Châu Đức cũng đã có một số doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc trải nghiệm thú vị từ việc trồng, chăm sóc và chế biến ca cao.

Trước nhu cầu tiêu thụ ca cao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức; trong đó, xây dựng nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm