Hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Trường Sơn (Quảng Bình)

Ngày 26/1, tại xã miền núi biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Ban Quản lý Dự án "Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình (VFBC) phối hợp với UBND xã Trường Sơn tổ chức Lễ bàn giao hạng mục hỗ trợ Trang thiết bị máy sản xuất nông nghiệp cho Hợp tác xã Trường Sơn.

vna_potal_quang_binh_ban_giao_hang_muc_ho_tro_trang_thiet_bi_may_san_xuat_nong_nghiep_cho_hop_tac_xa_truong_son_7199697.jpg
Ký kết bao tiêu sản phẩm giống lạc đỏ cho bà con nhân dân Hợp tác xã Trường Sơn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tại buổi Lễ, Ban Quản lý dự án đã trao tặng Hợp tác xã Trường Sơn 1 máy cày trị giá gần 400 triệu đồng. Đồng thời, hai doanh nghiệp tại Hà Nội đã ký kết bao tiêu sản phẩm giống lạc đỏ cho người dân và trao cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ.

Bà Võ Thị Thi, Giám đốc Hợp tác xã Trường Sơn cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, người dân gieo trồng hơn 120 ha giống lạc đỏ do Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” cung cấp giống. Các doanh nghiệp đã ký thu mua với giá sàn là 25 nghìn đồng/kg lạc khô. Nếu năng suất lạc trung bình đạt 4 tấn/ha, người dân có doanh thu đạt 100 triệu đồng/ha. Dự kiến, đến tháng 5/2024, người dân sẽ thu hoạch lạc, sau đó chuyển sang trồng các loại đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ và cũng sẽ được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

vna_potal_quang_binh_ban_giao_hang_muc_ho_tro_trang_thiet_bi_may_san_xuat_nong_nghiep_cho_hop_tac_xa_truong_son_7199702.jpg
Trao cây giống lạc đỏ cho bà con nhân dân Hợp tác xã nông nghiệp Trường Sơn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết, xã Trường Sơn có 62% là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiểu với 32% là hộ nghèo. Hiện, toàn xã có 156 ha trồng lạc các loại, trước đây sản xuất gặp nhiều khó khăn khi không có đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm, quy trình kỹ thuật gieo trồng còn nhiều hạn chế, năng suất thấp. Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” với trọng tâm là giống lạc đỏ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn Dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, đặc biệt là từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thân thiện với môi trường sinh thái.

Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2025. Dự án nhằm cải thiện sinh kế cho những cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, thông qua thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học.

vna_potal_quang_binh_ban_giao_hang_muc_ho_tro_trang_thiet_bi_may_san_xuat_nong_nghiep_cho_hop_tac_xa_truong_son_7199705.jpg
Trao tặng máy cày cho bà con nhân dân Hợp tác xã Trường Sơn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tại xã Trường Sơn, Dự án đã lựa chọn triển khai chuỗi giá trị về cây lạc giống đỏ, hướng tới mục tiêu sản xuất vùng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm nâng cao thu nhập một cách bền vững cho người dân thông qua việc sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết; trong đó chú trọng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương mại sản phẩm.

Bên cạnh đó, Dự án sẽ khuyến khích phát triển chuỗi giá trị thân thiện với rừng và đa dạng sinh học cho các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, nông nghiệp có giá trị cao, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và đào tạo kỹ năng, tìm cơ hội việc làm cho người dân do Tổ chức Helvetas Việt Nam phụ trách.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm