Hơn 3 năm trước, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, anh Hồ Thanh Phương, người Pa Kô ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới đã đầu tư hệ thống nước tự chảy, đào ao, lót bạt nuôi cá tầm. Đến nay, mô hình nuôi cá tầm bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc nơi đây…
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia đình anh Hồ Thanh Phương ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới đã đầu tư hệ thống nước tự chảy, đào ao, lót bạt nuôi khoảng 1.000 con cá tầm. Năm 2021, gia đình anh Phương tiếp tục đầu tư 5 ao nuôi với diện tích khoảng 700 m2 , thả nuôi khoảng 2.000 con giống.
Anh Phương chia sẻ, để nuôi được loài cá nước lạnh này thì nguồn nước nuôi phải luôn giữ sạch, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan cao, nhiệt độ nước luôn duy trì dưới 30 độ C. Ngoài nguồn nước nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm, đáy ao nuôi phải được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bùn đất. Mặc dù khó nuôi nhưng loài cá này lại cho giá trị kinh tế cao. Cá tầm sau hơn 2 năm nuôi có con đạt trọng lượng gần 10 kg/con. Với giá bán khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg, đồng bào có thể nhanh chóng hoàn vốn đầu tư và có lãi.
Anh Phương chia sẻ thêm, trong tương lai, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá tầm, đồng thời áp dụng khoa học - công nghệ để có thể cho cá ăn tự động, tự theo dõi sự phát triển của cá, có biện pháp xử lý kịp thời khi ao xảy ra sự cố. Ngoài ra, có thể kết hợp nuôi cá tầm và làm du lịch cộng đồng khi cho du khách đến tham quan trang trại, ao cá.
Từ những thành công ban đầu, huyện A Lưới đang phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai nhân rộng mô hình nuôi cá tầm, qua đó tạo hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, đồng thời hướng tới xây dựng thương hiệu đặc sản OCOP cá tầm.
Đỗ Trưởng - Tường Vi