Từ vùng đầm nước hoang, trồng lúa một vụ, anh Lê Duy Trinh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành vùng sen và phát triển các sản phẩm từ sen. Đây là hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa, được địa phương khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.
Sau 10 năm lao động ở nước ngoài, vào cuối năm 2022, anh Lê Duy Trinh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) quyết định thuê gần 6 ha là các vùng trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo thành 7 hồ trồng sen. Anh Trinh lựa chọn 2.000 cây giống Sen hồng cao sản từ Huế để trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng thử, cả 7 hồ sen đều cho ra hoa đúng hạn, cây khỏe, hoa nhiều, đẹp và lá to.
Thành công bước đầu càng tiếp thêm động lực giúp anh Trinh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Tả Phan (Hợp tác xã sen Tả Phan) với các sản phẩm từ cây sen. Bên cạnh đó, anh chú trọng phát triển mô hình du lịch sinh thái nông thôn để người dân đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Anh Trinh cho biết, bước đầu trồng sen, anh cũng gặp nhiều khó khăn. Anh vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm của người trồng sen từ nhiều địa phương khác. Nhờ đó, mỗi ha sen hiện cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm và dự tính các năm sau sẽ cao hơn vì giảm được chi phí đầu tư ban đầu. Trong khi nếu trồng lúa một vụ, do là vùng đầm lầy, năng suất bấp bênh, người dân chỉ thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm theo thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Qua hai mùa sen nở, những sản phẩm từ lá, hoa, ngó và hạt sen mang thương hiệu Hợp tác xã sen Tả Phan đã góp mặt trên thị trường. Tuy mới là những thành quả ban đầu song mô hình trồng sen của Hợp tác xã sen Tả Phan đã cho hiệu quả đáng khích lệ. Đầu năm 2024, sau thời gian nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội, sản phẩm hạt sen tươi của Hợp tác xã đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Trinh chia sẻ thêm, từ những thành công đầu tiên, Hợp tác xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng để nâng cao kinh tế gia đình, đồng thời tạo việc làm cho người địa phương. Anh kỳ vọng sẽ phát triển mô hình sinh thái nông thôn để du khách có thể đến đầm sen check-in và trải nghiệm các sản phẩm từ sen. Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian, cảnh vật vùng quê yên bình, ngắm cánh đồng sen bát ngát.
Hiện các sản phẩm từ sen của Hợp tác xã sen Tả Phan luôn được các thương lái trên địa bàn tỉnh ưa chuộng. Để hiện thực hóa những dự định của mình, anh Trinh đang tập trung đa dạng hóa các loại sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác để nâng tầm giá trị các sản phẩm từ sen; đồng thời, xây dựng thêm 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.
Xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) là vùng đất thuần nông với mô hình trồng sen trên vùng đất ngập một vụ lúa đã mở ra hướng đi mới cho người dân vùng quê nơi đây. Hướng đi này vừa giúp phát triển kinh tế, vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chính quyền địa phương đang hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Lê Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mô hình trồng sen của Hợp tác xã sen Tả Phan phát triển. Đây đang là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thích ứng với điều kiện tự nhiên và sự biến đổi của khí hậu; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo cảnh quan môi trường xanh mát, đẹp tại các vùng nông thôn. Chính quyền địa phương mong muốn, nông dân tiếp tục có chuyển đổi nhiều mô hình tương tự để đa dạng hóa nông nghiệp trên địa bàn xã và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.
Tá Chuyên