Chuyên canh cây nghệ đã giúp người dân Khoái Châu (Hưng Yên) có thêm thu nhập. Ảnh: nguồn dangcongsan.vn |
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, tổng diện tích nghệ trên địa bàn là 270 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng nghệ khoảng 100 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Hưng.
Chị Hoàng Thị Châu và nhiều nông dân thôn Tân Hưng, xã Chí Tân cho biết, cây nghệ mang lại giá trị kinh tế cao và là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân. Trồng nghệ đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, thích hợp với nhiều chất đất, chịu ngoại cảnh tốt, sạch bệnh.
Cũng theo chị Châu, mỗi ha nghệ thu hoạch trung bình khoảng 27 tấn củ tươi, giá bán 25.000 - 35.000 đồng/kg. Một ha thu 500 - 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng mỗi năm, cao gấp hơn 10 lần cấy lúa. Thời gian từ khi trồng đến mọc mầm của cây nghệ là khá dài từ 35 - 40 ngày, nên có thể trồng xen canh một số loại cây trồng ngắn ngày như lạc, cây đậu đỗ để tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích.
Đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi, vì củ nghệ tươi không đủ cung cấp cho thị trường. Trên địa bàn huyện Khoái Châu hiện có 3 cơ sở, doanh nghiệp chuyên thu mua, sơ chế, chế biến nghệ tươi thành bột nghệ khô và tinh bột nghệ... Sản phẩm chế biến từ củ nghệ cung ứng một phần cho các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần dược phẩm TraphaCo, Công ty TNHH Thái Dương… Ngoài ra còn xuất khẩu sang thị trường các nước Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc...
Nghệ vàng trồng ở xã Chí Tân (Khoái Châu). Ảnh: nguồn baohungyen.vn |
Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch UBND xã Chí Tân, nơi có diện tích nghệ nhiều nhất huyện chia sẻ: Hiện toàn xã có 100% hộ dân đều trồng nghệ với tổng số 120 ha, nhà ít nhất vài ba sào. Từ hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa, xã tiếp tục tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi gần 40 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây nghệ, giúp nông dân vươn lên làm giàu bền vững.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Chất lượng nghệ trồng trên địa bàn được các nhà khoa học kiểm nghiệm đưa ra nhận định có hàm lượng cucurmin cao hơn nhiều lần so với các vùng thổ nhưỡng khác, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để khẳng định thương hiệu sản phẩm, huyện phối hợp với Sở Khoa học công nghệ Hưng Yên triển khai dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nghệ Khoái Châu". Huyện khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích, hình thành vùng chyên canh quy mô lớn, nâng năng suất, giá trị sản phẩm, cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng tốt.
Mai Ngoan