Hội thảo cơ sở khoa học đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo đề tài khoa học cấp bộ “Cơ sở khoa học đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020”. Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Bế Trường Thành, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Hoàng Xuân Lương, Phan Văn Hùng; đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; các nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành Trung ương và các thành viên trong Hội đồng khoa học thuộc UBDT.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Trong những năm qua, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đạt được những kết quả to lớn với những thành tựu rõ rệt, nhất là kết quả xoá đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao…; Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dần dần tiếp cận với kinh tế hàng hoá…; Văn hoá truyền thống các DTTS được quan tâm bảo tồn và phát triển, giữ gìn tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Mục tiêu bình đẳng, đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường..., giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém như: Chính sách dân tộc chưa tạo ra được những bước đột phá, làm thay đổi cơ bản và toàn diện những khó khăn của vùng DTTS; Chính sách dân tộc ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và ngày càng đa dạng hơn nhưng lại dàn trải, trùng lặp, chồng chéo và thiếu đồng bộ; Việc phối hợp, lồng ghép nội dung và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của các DTTS trên cùng địa bàn còn nhiều hạn chế và rất khó phối hợp; Chính sách dân tộc (CSDT) thường tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm…, chưa tính toán đầy đủ tới chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Do sự dàn trải trong CSDT nên các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thấp, phân tán, chưa đủ để thay đổi một cách căn bản, lâu dài…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề tài khoa học “Cơ sở khoa học đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020”. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung: Lý luận chung cần ngắn gọn, khái quát; Cơ sở khoa học của Đề tài, làm rõ các khái niệm trong Đề tài; cần có cơ sở lý luận khoa học, rút ra những bài học kinh nghiệm của quốc tế; thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân tại sao chính sách nhiều mà đồng bào vẫn nghèo, vẫn khổ; chính sách dân tộc cần được xây dựng sao cho phù hợp với từng dân tộc và từng địa phương; xây dựng chính sách phát triển dựa trên tinh thần nội sinh của cộng đồng, phát huy sức mạnh cộng đồng, dựa trên nền văn hoá lâu đời; xây dựng chính sách phát triển bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực trong thực hiện chính sách, bảo đảm sự phù hợp, tương thích với đặc điểm của từng vùng; đổi mới quy trình xây dựng chính sách; chú ý đến các quy trình: thông qua ngân sách của Quốc hội, tổ chức thực hiện từ Trung ương tới địa phương, giám sát đánh giá; tiếp cận nhân học trong xây dựng chính sách; lý luận chính sách công là cơ sở để xây dựng chính sách dân tộc; để người dân tham gia vào xây dựng, hoạch định chính sách; nhiều nội dung chính sách khi thực hiện còn vướng mắc ở các địa phương; cần ưu tiên nguồn lực tập trung vào vùng khó khăn; xây dựng chính sách dựa trên phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều; nâng cao năng lực cho cộng đồng; phân cấp cho địa phương được quyết định trong khung chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bế Trường Thành, Chủ nhiệm Đề tài ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đơn vị chủ trì xây dựng Đề tài sẽ tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu, tiếp tục bổ sung hoàn thiện Đề tài.

Có thể bạn quan tâm