Từ ngày 1/2 đến ngày 28/2, tại Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa với chủ đề “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Đây là dịp giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn.
Các hoạt động văn hóa có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer.
Hoạt động điểm nhấn “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra trong những ngày đầu xuân với các hoạt động như: Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Nhâm Dần năm 2022; Lễ cắt băng khánh thành nhà truyền thống Nghệ An và nhà Rường truyền thống Quảng Nam, Khu các làng dân tộc IV và trồng cây lưu niệm; Tái hiện các Lễ hội truyền thống của các dân tộc nhân dịp đầu Xuân năm mới Nhâm Dần 2022; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và chúc Tết đồng bào các dân tộc tại Ngôi nhà chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Vào các dịp cuối tuần, cuối tháng, có các hoạt động chủ đề như Chương trình dân ca dân vũ “Khúc hát mùa xuân” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng thể hiện các ca khúc về Tây Nguyên mùa xuân về, những nét rộn ràng khi mùa xuân về khắp buôn làng; Giới thiệu âm nhạc dân gian với các nhạc cụ từ tre nứa như đàn đinh gong, đinh pút, đàn tơ rưng;… những bản nhạc về mùa xuân Tây Nguyên, vòng xoang Tây Nguyên và một số ca khúc mừng Đảng, mừng xuân thể hiện niềm tin sắt son của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Bác Hồ.
Đồng bào dân tộc Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa – Thiên Huế sẽ tái hiện lễ Ariêu Aza đặc sắc. Vào độ tháng Giêng, khi ngoài rừng cành xanh đã nhú chồi biếc, những sắc hoa đã khoe màu; khi lúa trên rẫy đã gùi về kho, bắp trên nương đã buộc thành từng chùm treo trên gác bếp; lúc men rượu trong ché đượm mùi thơm nồng; xa xa đã âm vang tiếng trống, tiếng chiêng nô nức, gọi mời, đó cũng là lúc người dân chuẩn bị bước vào những ngày lễ hội của năm mới - lễ hội “Mừng lúa mới”. Đây là một lễ hội cộng đồng của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu mang nhiều ý nghĩa: vừa mang ý nghĩa của một nghi lễ cuối cùng trong năm, khép lại một chu kỳ sản xuất, đồng thời là lễ hội đầu tiên của mùa lễ hội mới, năm mới.
Các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ có các hoạt động “Vui Tết đón Xuân”: giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới; giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân như múa xòe, nhảy sạp, múa au eo, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến... Du khách có dịp tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...
Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian đặc sắc sẽ giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bích Hạnh