Hoa văn trang trí trên trang phục dân tộc Mông ở Cao Bằng

Hoa văn trang trí trên trang phục dân tộc Mông ở Cao Bằng
Ở Cao Bằng, dân tộc Mông có 3 nhóm: Mông trắng, Mông hoa, Mông đen. Người Mông có nhiều kiểu kỹ thuật trang trí trên trang phục như in sáp ong, thêu và ghép vải. Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong là nhúng bút vào sáp ong nấu chảy rồi vẽ lên vải mộc các họa tiết hoa văn. Sáp ong sẽ dính lại trên nền vải. Sau đó, đem tấm vải đã được vẽ sáp ong đi nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi miếng vải có được màu như ý muốn. Những chỗ đã vẽ sáp ong thì nước chàm sẽ không thấm vào. Giặt xong, người ta cứ để thế phơi khô. Khi vải đã khô, người ta nhúng vào nước sôi làm cho sáp ong bám trên nền vải tan ra để lại những họa tiết trắng trên nền vải chàm.

Trang phục nữ Mông đen.
Trang phục nữ Mông đen.
Thêu, theo tiếng Mông gọi là xơưs. Trang phục của người phụ nữ Mông không chỉ đẹp ở kỹ thuật cắt may mà còn rất dễ gây ấn tượng qua các mô típ trang trí và màu sắc hoa văn. Phụ nữ Mông thực sự là những nghệ nhân tạo hình trên nền vải. Họ thêu hoa văn không cần mẫu, các họa tiết đều dựa vào trí nhớ của người thêu. Vì vậy đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận, nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, nhầm một mũi kim, tính sai một sợi chỉ là đã khiến cho mũi thêu bị sai lệch.

Các kỹ thuật trang trí, tạo hoa văn trên vải  làm cho tấm vải không chỉ sống động về màu sắc, mô típ hoa văn mà cũng trở lên phong phú về kỹ thuật tạo hình, phản ánh khả năng sáng tạo của người phụ nữ Mông. Hoa văn trang trí trên trang phục của nhóm Mông đen ở Cao Bằng không khác so với người Mông đen ở Lạng Sơn và các vùng khác. Sở dĩ nhóm này được gọi là Mông đen bởi váy của họ hoàn toàn màu đen không trang trí hoa văn. Phần trang trí chủ yếu là ở cổ, nẹp cúc, tay áo, hai bên tà áo. Ngoài thêu hoa văn trang trí ở áo, nhóm Mông đen còn thêu trang trí hoa văn khá cầu kỳ ở dây quấn xà cạp  với các họa tiết hoa hướng dương, hoa hồi, hoa chong chóng. So với nhóm Mông trắng và Mông hoa, trang phục của nhóm Mông đen ít trang trí hoa văn nhất. Ngoài màu váy để phân biệt, nhóm Mông đen còn thêu trang trí hoa văn ở đường xẻ tà áo. Những đường nét này được thêu cầu kỳ với các họa tiết như hoa tám cánh, trái tim. Áo phụ nữ Mông đen không có miếng đệm gáy ở phía sau. Cổ được thêu trang trí cầu kỳ với các hình, như: Chữ M cách điệu, hoa bốn cánh, hình thoi, hoa hướng dương, hình con bướm. Trên yếm gắn 7 bông hoa hồi bằng bạc, ghép vải màu, thêu trang trí dạng hình học: Hình thoi, đường chéo, hình hoa chong chóng.  

Mô típ trang trí hình chữ M cách điệu trên cổ áo nữ Mông đen.
Mô típ trang trí hình chữ M cách điệu trên cổ áo nữ Mông đen. 
Nếu như trang phục nhóm Mông đen ở Cao Bằng không khác biệt nhiều so với nhóm Mông đen ở các vùng khác, thì nhóm Mông hoa lại khác biệt về cách sử dụng màu sắc, hoa văn so với nhóm này ở các vùng lân cận. Điểm duy nhất giống nhau giữa nhóm Mông hoa ở Cao Bằng và các vùng khác là ở giữa thân váy đều sử dụng vải in hoa văn sáp ong. Váy Mông hoa chỉ có hai màu đen, trắng, điểm nổi bật duy nhất là ở phần in hoa văn sáp ong, gồm các hình: Chữ thập, răng lược, dấu X, tam giác, hình vuông, hoa bốn cánh, hình thoi, hình tròn, hình con ngựa. Ngoài khác ở trang trí váy, nhóm Mông hoa Cao Bằng còn có nhiều điểm khác so với nhóm Mông hoa ở một số vùng khác, như: Áo có miếng đệm gáy phía sau, không cúc, mặc kèm yếm. Trang trí trên áo Mông hoa Cao Bằng chủ yếu là ở miếng đệm gáy, nẹp áo, tay áo. Nẹp áo được ghép vải nhiều  màu.  Màu sắc trang trí trên áo thiên về màu lạnh với các màu đen, trắng, xanh. Các họa tiết trang trí nhỏ và cầu kỳ. 

Yếm nữ Mông đen.
Yếm nữ Mông đen.
Trang phục nữ Mông trắng có kiểu trang trí gần giống kiểu trang trí ở nhóm Mông hoa, Mông đen. Vì váy được làm từ vải mộc màu trắng nên nhóm này được gọi là Mông trắng. Áo nữ nhóm Mông trắng giống kiểu áo nữ nhóm Mông hoa, đều không cúc và có miếng đệm sau gáy. So với các nhóm Mông khác, tạp dề nữ Mông trắng được trang trí cầu kỳ nhất, được làm từ vải chàm có hình chữ nhật, bốn cạnh được trang trí bằng cách ghép vải màu. Giữa khung hình chữ nhật là hai dải vải gắn dây tua, thêu hình tai người được xếp đối xứng nhau. Thắt lưng nữ nhóm này được thêu cầu kỳ với các hình chong chóng, tai người. Trang trí trên áo nữ Mông trắng có kiểu thêu hình ô vuông được xếp thành bao quanh hình chữ thập, giống kiểu thêu trên dây tạp dề nữ Mông hoa. 

Người Mông ở Cao Bằng hiện vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nghề trồng lanh dệt vải và thêu thùa không còn nhiều gia đình làm nữa. Nhiều loại vải xuất xứ từ Trung Quốc cũng gần giống như loại vải họ dệt được nhiều gia đình sử dụng do có giá thành rẻ. Để không làm mất đi nghề dệt và nghề thêu thủ công, cần có những lớp học dệt vải lanh, học thêu váy, thêu áo với những họa tiết truyền thống của người Mông cho thế hệ trẻ là người Mông. Sau đó tổ chức xây dựng làng nghề bao gồm nghề dệt lanh và nghề thêu thủ công, nghề may váy áo của người Mông.

 Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông đòi hỏi phải có sự nghiên cứu tâm huyết, lâu dài và sự chung tay của các ngành liên quan. Có như thế những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm