Chiều 18/10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm và đánh giá kết quả 9 tháng năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đề nghị: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Ban tập trung tham mưu ban hành các văn bản cụ thể để tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hướng đến mục tiêu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hưởng lợi từ Chương trình.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, các cấp, ngành thực hiện việc rà soát hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu số xã, thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (năm 2025); rà soát, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 Chính phủ giao đúng tiến độ và đạt hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình như: Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn thấp; điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn; dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, phát triển sản xuất và triển khai các dự án đầu tư. Đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp hàng năm phân bổ chi tiết cho từng dự án, nội dung chi gây khó khăn cho việc cân đối thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; chưa có hướng dẫn sử dụng vốn cho hộ dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất; việc huy động các nguồn lực tư nhân và xã hội còn hạn chế… Đồng thời, các đại biểu kiến nghị, hàng năm tỉnh Hòa Bình bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện Chương trình theo quy định, nhất là đối với dự án đặc thù vùng đồng bào dân tộc Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 tổng kinh phí là 1.573 tỷ đồng; vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 trên 600 tỷ đồng. Đến nay, Chương trình đã triển khai thực hiện 10 dự án và 16 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc. Tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đạt 32,29%; giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt 13,52%. Toàn tỉnh Hòa Bình có 8/33 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Vũ Hà