Hội viên người mù ở huyện Phú Vang làm chổi đót tại cơ sở dạy nghề của Hội người mù huyện. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Nổi bật là Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện chương trình hành động "Việc làm - xóa đói giảm nghèo" đối với hội viên các địa phương trong tỉnh. Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Văn Lộc cho biết, phong trào người khiếm thị tham gia làm hàng xuất khẩu ở đây từng bước phát triển. Trong năm 2018, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký hợp đồng với Công ty Ươm giống cây trồng lâm nghiệp Pháp để sản xuất 50 nghìn sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Đến nay, Hội đã xuất khẩu được 21 container, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/container; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong thời điểm nông nhàn. 15 năm trước, ông Evic Vitali - Giám đốc Công ty Ươm giống cây trồng Lâm nghiệp Pháp trong một lần đến Huế đã đặt vấn đề với Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên- Huế về việc làm các lồng tre để bảo vệ cây trồng. Trước đây, người khiếm thị sống chủ yếu vào nghề làm tăm, đũa tre, giờ đây lần đầu tiên người mù được làm sản phẩm để xuất khẩu với số lượng lớn. Hiện nay, sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Hội đã đạt doanh thu trên 2,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 5.300 lượt lao động. Ngoài ý nghĩa kinh tế, tham gia sản xuất, người khiếm thị luôn chủ động vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Gia đình ông Nguyễn Xuân Vụ ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền đã tổ chức cho nhiều người tham gia đan lát lồng tre xuất khẩu tại nhà, bao gồm hai vợ chồng ông cùng hai người con gái, các cháu nhỏ và một số hàng xóm. Theo ông, từ ngày đầu tham gia đan lồng tre xuất khẩu, gia đình ông đã thu hút được khá nhiều lao động trong địa phương, đặc biệt là mùa nông nhàn, mùa hè khi các cháu học sinh nghỉ học, vừa tạo thêm thu nhập lại tập cho các cháu nhỏ tính cần cù, cẩn thận trong công việc. Từ phong trào làm hàng xuất khẩu của người khiếm thị, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tranh thủ thời gian nông nhàn tham gia sản xuất hàng tre đan xuất khẩu. Thôn Lai Thành, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà có 80 hộ với gần 200 lao động tham gia làm các lồng tre xuất khẩu. Một người mới học nghề chỉ làm được khoảng 6 chiếc lồng tre/ngày, nhưng khi thuần thục sẽ làm được khoảng 10 chiếc /ngày, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung đánh giá, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không ngừng phát triển, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của người mù, tạo điều kiện làm việc và nâng cao đời sống tinh thần cho người mù. Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động và chương trình hành động "Việc làm - xóa đói giảm nghèo" (giai đoạn 2007 – 2017), Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 210 dự án vay vốn cho 2.043 người mù vay với số tiền 16,426 tỷ đồng; đào tạo nghề cho hơn 1.500 học viên, 100% học viên đều có việc làm và thu nhập ổn định sau khi được đào tạo. Điển hình, Hội Người mù huyện Phong đã tạo điều kiện tín chấp cho 125 hội viên vay vốn với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá kết quả hàng năm, 100% người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, phát triển bền vững. Nhiều mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả đem lại thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/năm. Cùng với lao động, việc làm, Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận động sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, xây dựng 204 nhà cho hội viên với số tiền hơn 5 tỷ đồng; tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hội viên, dạy chữ Braile và dạy tin học cho người mù. Đến nay, tỷ lệ người mù nằm trong diện hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ còn 26,57%.
Quốc Việt