Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Chương trình này hướng tới mục tiêu từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động, tiến tới xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực cho phát phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Chương trình đưa ra 5 mục tiêu cụ thể, trong đó duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.
Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ rà soát các quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm một tháng khi doanh nghiệp và người lao động đã thỏa thuận làm thêm. Tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm không giới hạn nhóm, ngành, nghề, công việc…
Hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn giảm giá tư vấn, cung ứng lao động.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn nghiên cứu chính sách giảm lãi suất, bổ sung vốn hỗ trợ lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo thêm việc làm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tiền lương, tiền ăn ca, phúc lợi xã hội…
Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ phí tuyển dụng lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. Đối với doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trợ giúp đăng ký tuyển chọn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo lao động ở địa phương tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Chương trình cũng có chính sách hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra chính sách hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các chi phí về sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế; hỗ trợ thêm chi phí cho người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, có phương án hỗ trợ sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc để ổn định cuộc sống, tạo động lực tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với chính sách hỗ trợ lao động, các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khảo sát, nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhu cầu tìm việc của người lao động để chủ động nguồn lao động đảm bảo khôi phục sản xuất.
Chương trình nêu rõ các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động duy trì việc làm, giữ chân người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để yên tâm làm việc, sản xuất, kinh doanh.
Chương trình đưa ra giải pháp tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn và cả nước, đảm bảo nguồn lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quan tâm đẩy mạnh các hình thức kết nối trực tuyến có hiệu quả, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19.
Hạnh Quỳnh