Nhân dân xã Đồng Lương,huyện Lang Chánh tham gia xây dựng đường giao thông Nông thôn. Ảnh : langchanh.thanhhoa.gov.vn |
Lang Chánh là một huyện miền núi khó khăn, trước đây sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thu nhập của người dân trên địa bàn thấp. Vì vậy, các các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo được coi là nguồn lực giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc hỗ trợ giống vật nuôi như lợn giống, bò giống, người dân còn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi để chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn thực hiện tốt việc tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ, thuận lợi của những đối tượng thụ hưởng khi được tham gia chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo để nhân dân hiểu rõ. Huyện cũng xây dựng các kế hoạch giảm nghèo tại 11 xã, thị trấn, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ mới thoát nghèo. Nhằm giúp nhân dân có thêm kiến thức phát triển sản xuất, huyện Lang Chánh đã lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản xuất; hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao như: Chăn nuôi dê, chăn nuôi thỏ; trồng rau, ngô trên đất lúa bị hạn và trồng rừng. Ngành chức năng của huyện xây dựng hiệu quả một số mô hình giảm nghèo như chăn nuôi lợn sinh sản... Tại xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, chương trình 135, 30a đã tạo điều kiện cho các thôn, bản được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng; người dân được hỗ trợ vốn phát triển triển kinh tế thông qua các dự án thuộc khuôn khổ chương trình. Như dự án hỗ trợ lợn sinh sản thuộc chương trình 135, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con lợn sinh sản trị giá từ 1-2 triệu đồng. Người dân sau khi được nhận hỗ trợ đã tích cực phát triển sản xuất để vượt qua đói nghèo. Chị Phạm Thị Chiến, thôn Triềng Khàn, xã Đồng Lương, cho biết trước đây gia đình chị rất nghèo. Sau khi được hỗ trợ 1 con lợn giống vào năm 2014, chị đã chăn nuôi lợn sinh sản, kết hợp trồng rừng kinh tế. Sau lứa chăn nuôi đầu tiên, gia đình chị đã có 5 con lợn giống. Bên cạnh đó, gia đình chị còn tiếp tục chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả, đầu tư mua một xe tải nhỏ làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Kiên trì sản xuất, kinh doanh, đến nay gia trại của chị Phạm Thị Chiến đã được mở rộng lên 4 ha; quy mô chăn nuôi là 30 con lợn, 2 còn bò; trồng 2 ha keo, luồng. Tổng thu nhập của gia đình chị đạt 60 triệu đồng/năm. Chia sẻ về quá trình thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 135, anh Nguyễn Văn Ngâm, thôn Suốm, xã Đồng Lương, cho biết gia đình anh được hỗ trợ 1 con lợn từ năm 2013 để phát triển chăn nuôi. Sau đó, anh tiếp tục chăn nuôi lợn sinh sản, trồng cây ăn quả, trồng rau màu và trồng rừng kinh tế. Sau 4 năm nỗ lực, anh Ngâm đã có 1 gia trại nhỏ, chăn nuôi 23 con lợn sinh sản và canh tác 1,2 ha rừng trồng, 0,8 ha vườn rau màu, cây ăn quả. Thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 50 triệu đồng/năm. Theo ông Phạm Khánh Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, xã có 9 thôn, bản được hỗ trợ từ chương trình 135, trong đó có dự án hỗ trợ lợn nái sinh sản. Năm 2018, xã có 66 hộ được thụ hưởng với tổng số tiền 323 triệu đồng. Xã đã mua lợn giống cấp cho các hộ, sau đó cử cán bộ nông nghiệp xuống các thôn, bản chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các hộ có phương thức chăn nuôi, trồng trọt hợp lý. Ngoài xã Đồng Lương, các xã khác như Yên Thắng, Tân Phúc, Trí Nang của huyện Lang Chánh cũng có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống sau khi được hỗ trợ. Nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm mạnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, huyện đã có hơn 4.200 hộ thoát nghèo; số học sinh trên địa bàn huyện được miễn học phí là 2.465 người. Huyện cũng có 26.470 lượt nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế; 3.327 hộ được hỗ trợ tiền điện. Tại huyện Lang Chánh, công tác giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả, song vẫn còn khó khăn do việc tuyên truyền về giảm nghèo chưa đủ khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân. Một số hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ trợ cấp của Nhà nước. Theo bà Lê Hải Hưng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lang Chánh, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, nghị quyết về thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, qua đó giúp các hộ trên địa bàn có thêm kiến thức khoa học để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nguyễn Nam