Hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất ở vùng cao Yên Bái

Hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất ở vùng cao Yên Bái
Người dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái chăm sóc cây quế. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Người dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái chăm sóc cây quế.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Những năm gần đây, với việc quy hoạch bài bản cho vùng trồng quế, tìm được đầu ra ổn định; trong đó quế vỏ và tinh dầu quế được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng, và được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ… Đến nay, Văn Yên là vựa quế lớn nhất tỉnh Yên Bái cũng như của cả nước. Tỉnh Yên Bái có diện tích quế hơn 40.000 ha, cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên 5.000 tấn vỏ quế, hơn 300 tấn tinh dầu, giá trị kinh tế từ cây quế đem lại trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ trồng quế đời sống người dân Văn Yên ngày được nâng cao, cây quế không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ dân trong huyện. Gia đình chị Bàn Thị Nhất, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên có gần 10 năm kinh nghiệm trồng quế, trước đây cây quế trồng ra chỉ bán cho tư thương trong huyện, giá cả bấp bênh thường xuyên bị ép giá nên giá trị cây quế không được phát huy. Sau khi cây quế Văn Yên được công nhận chỉ dẫn địa lý, gia đình chị tham gia vào chuỗi giá trị ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy chế bến tinh dầu quế trên địa bàn, trồng quế theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được bảo đảm. Nhờ vậy, hàng năm gia đình chị thu gần 200 triệu đồng từ tiền bán quế, cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Chị Bàn Thị Nhất chia sẻ, có thời gian trồng quế rất khó khăn, nhất là khi cây quế bị sâu bệnh nhiều, mà giá bán lại không cao, không đủ trang trải cuộc sống gia đình vì chỉ bán được mỗi vỏ quế; nhưng giờ được hỗ trợ ban đầu về giống và kỹ thuật, gia đình chị chuyển sang trồng quế hữu cơ, trong ba năm đầu tiên cây phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch, được huyện và nhà máy hỗ trợ bao tiêu sản phẩm thu mua tận nhà nên đầu ra ổn định, từ bán quế mà gia đình chị đã xây được nhà, kinh tế cũng dần đi lên. Ngoài việc thay đổi phương thức sản xuất đối với cây lâm nghiệp, huyện Văn Yên còn chú trọng chuyển đổi mạnh phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi hàng hóa tập trung theo trang trại và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tập trung. Thực hiện việc liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ông Đỗ Quang Trung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết, Yên Bái là tỉnh miền núi có lợi thế về phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún với quy mô hộ gia đình. Nhận thấy cần nâng cao chất lượng, thay đổi phương thức chăn nuôi, một số công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng quy mô trại nuôi trâu, bò, thương phẩm tại Yên Bái, xuất bán sang thị trường Trung Quốc và cung cấp thịt trâu, bò cho thị trường miền Bắc theo tiêu chuẩn khép kín. Ngoài chăn nuôi, các công ty còn thu mua lại trâu, bò cho bà con nông dân trong huyện, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững. Từ những mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới của nông dân vùng cao Yên Bái, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, giảm nghèo nhanh (mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 5%). Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các huyện, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình dự án, chính sách về nông nghiệp nông thôn, nhân rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đòn bẩy thúc đẩy xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển bền vững.
Việt Dũng

Có thể bạn quan tâm