Mô hình trồng nghệ của anh Nguyễn Tùng Sơn (bên trái), xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho lãi 8 - 10 triệu đồng/năm, cao hơn từ 5 - 7 lần so với việc trồng lúa, ngô. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Nằm giữa cánh đồng của thôn Liễu Khê, xã Song Liễu, khu chuyển đổi của gia đình anh Cao Văn Hoàng được xem là điển hình về mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Khu đất này vốn trước đây xã Song Liễu chia cho dân, mỗi hộ vài thước để canh tác, nhưng do đặc điểm là khu đất gò cao, khó khăn về thủy lợi nên người dân cấy lúa không hiệu quả. Từ đó, đa số người dân bỏ hoang hóa cỏ dại mọc um tùm. Anh Cao Văn Hoàng chia sẻ, năm 2009, vợ chồng anh quyết định thuê toàn bộ diện tích hơn 6 mẫu của xã với mức khoán 50 kg thóc/sào/năm để thực hiện dự định mới. Thời điểm đó, vợ chồng anh làm nghề thu mua phế liệu, không có nhà cửa phải đi ở nhờ. Điều duy nhất anh nghĩ đến là thuê đất sẽ được dựng căn nhà tạm cho các con ở, làm vườn, vợ chồng anh có điều kiện chăm lo cho con cái.
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Tuân và Nguyễn Thế Dũng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với gần 1.000 cây ăn quả các loại, ước tính tiền lãi thu về gần 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Bắt tay vào gây dựng, vợ chồng anh không ít hoang mang bởi trước đó một vài hộ thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp không thành công. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn quyết chí làm nông nghiệp trên diện tích đất này. Những năm đầu, vợ chồng anh dốc sức để khai phá, cải tạo đất, không có vốn nên ban đầu chủ yếu là trồng chuối, trồng ổi và nuôi thả gà. Dần dần tích lũy được ít vốn, anh sang Văn Giang (Hưng Yên) học hỏi nghề trồng cây ăn quả và cây cảnh và về áp dụng trồng tại diện tích sẵn có. Sau 6 năm kiên trì, đến nay hơn 6 mẫu đất thuê đã được phủ kín bằng nhiều loại cây trồng hiệu quả và có quy hoạch cụ thể. Hiện 3 loại cây chủ lực được gia đình trồng là cam Vinh, bưởi và quất cảnh. Trong số 1.000 gốc bưởi đã có 400 gốc cho thu hoạch vụ thứ 2. Ngoài ra, hàng nghìn gốc cam Vinh chín vàng đang vào mùa thu hoạch. Điều đặc biệt, toàn bộ cây ăn quả tại vườn của gia đình anh đều được chăm bón theo phương pháp trồng quả sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế bón phân hóa học. Trong giai đoạn này, việc đánh bắt sâu bọ, gia đình anh thực hiện hoàn toàn bằng thủ công để hạn chế ảnh hưởng đến quả.
Anh Nguyễn Văn Tuân và Nguyễn Thế Dũng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nuôi gà Đông Tảo, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Ngoài diện tích cam, bưởi, anh Hoàng còn quy hoạch khu ươm cây giống, khu trồng quất cảnh. Hiện anh có hơn 1.000 gốc bưởi giống đã có khách hàng đặt mua với giá 120 nghìn đồng/cây. Hàng nghìn cây quất cảnh, cam bưởi cảnh đang vào giai đoạn tạo thế và đưa lên chậu để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018 sắp tới. Thời điểm thu hoạch cao điểm các loại cây, quả của gia đình bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán. Dự kiến dịp này, gia đình anh thu về cả tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Song Liễu, huyện Thuận Thành cho biết, nhờ kiên trì và chăm chỉ cần mẫn, từ một hộ nghèo không có đất ở, với diện tích đất thuê của xã, sau 8 năm bền bỉ với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Cao Văn Hoàng đã trở thành điểm sáng, hộ điển hình của xã Song Liễu về phát triển kinh tế vườn. Toàn bộ số vốn đầu tư cho mô hình của gia đình anh Hoàng hiện nay đều là vốn tự có từ sự chắt chiu của gia đình, không phải vay mượn và thời gian tới gia đình anh sẽ tiếp tục thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây cảnh. Anh Hoàng cũng mong muốn có nhiều hộ gia đình trong thôn cùng làm mô hình nông nghiệp nhằm tạo thành vùng sản xuất lớn, có thương hiệu, tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm.
Thái Hùng