Hiệu quả từ ấp trứng bằng bình vây trong sản xuất cá chép giống

Hiệu quả từ ấp trứng bằng bình vây trong sản xuất cá chép giống

Việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; trong đó có nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm. Cùng với nuôi cá thâm canh, sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp, chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi thì việc áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây trong sản xuất cá chép giống cũng được các cơ sở sản xuất cá giống trên địa bàn áp dụng, đem lại hiệu kinh tế quả cao.

Nhận thấy tiềm năng của nghề làm cá giống mang lại, năm 2019, anh Trần Đình Sơn, sinh năm 1989, ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài đã thành lập Hợp tác xã Thủy sản Thái Sơn. Được chuyển giao công nghệ từ Viện Nuôi trồng thủy sản 1, hợp tác xã đã tiến hành cho 300 cặp cá chép bố mẹ sinh sản nhân tạo cho thấy hiệu quả gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống.

Anh Trần Đình Sơn cho biết, nếu như trước đây, để sản xuất cá chéo giống, Hợp tác phải đầu tư 3 bể riêng biệt với thể tích khoảng 9 m3/bể gồm bể bố mẹ, bể đẻ và bể ấp. Quá trình ấp thực hiện trên các giá thể bèo, sau khi tiêm hooc môn sinh sản để cá đực và cá cái thụ tinh tự nhiên khiến lượng trứng hao hụt khá nhiều, sản lượng thu được mỗi lần khoảng 1,1 triệu cá bột.

Trong khi đó, đối với phương pháp ấp trứng bằng bình vây chỉ cần 2 bể cá bố, cá mẹ và một bình vây có thể tích 1m3 giúp giảm lượng nước sử dụng. Các kỹ thuật viên tiến hành vuốt, bóp lấy trứng và tinh trùng của cá bố mẹ rồi thực hiện thụ tinh trong bình vây, có thể cho sản lượng đạt 3,5 triệu con/lần. Nhờ đó, sản lượng sản xuất cá giống tăng lên rõ rệt, đạt khoảng 50 triệu con cá chép/năm, thời gian sinh sản của cá bố mẹ kéo dài tới 6 tháng.

"Nếu áp dụng theo phương công nghệ cũ đẻ qua cái giá thể thì mỗi bể sẽ thất thoát từ 2-3kg trứng. Trong khi đó, việc ấp trứng bằng bình vây sẽ giảm thiểu đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 200-300 gam trứng bị thất thoát trong quá trình cho đẻ", anh Sơn nói

Theo anh Trần Đình Sơn, phương pháp ấp trứng bình vây có chi phí đầu tư không quá cao, khoảng 26 triệu đồng/bình, việc lắp đặt cũng thuận tiện, dễ dàng. Để tăng hiệu quả, Hợp tác xã đang cải tạo, xây dựng hệ thống cấp nước theo công nghệ tuần hoàn duy trì nhiệt độ nước ổn định ương nuôi cá giống. Đến nay, Hợp tác Thủy sản Thái Sơn đã hình thành trung tâm sản xuất cá giống công nghệ cao như cá chép V1, cá rô đơn tính... với sản lượng cung ứng gần 70 triệu con cá giống/năm.

Đặc biệt, hợp tác xã luôn chú trọng ứng dụng công nghệ mới để cải tiến kỹ thuật để được năng suất cao, đàn cá giống phẩm cấp tốt, sinh trưởng khỏe mạnh, dễ tiêu thụ. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã chủ động thời điểm cho cá sinh sản, thường cung cấp ra thị trường sớm trước 2 tháng so với các cơ sở sản xuất tự nhiên, qua đó, tăng giá trị cho cá giống, mở rộng đối tượng khách hàng ở các vùng, miền khác nhau.

Trước đây, mỗi lần chọn cá giống, anh Phạm Văn Tiệp, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh phải mất nhiều thời gian đến các tỉnh lân cận để chọn cá giống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau mỗi vụ anh thường đến Hợp tác xã Thủy sản Thái Sơn để chọn cá giống về nuôi. Cơ sở cá giống gần đã giúp anh Tiệp giảm chi phí trong khâu vận chuyển và chọn được những con giống khỏe mạnh, chất lượng. Đối với phương pháp ấp trứng bằng bình vây thì việc tuyển chọn cá bố mẹ rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có 4/5 cơ sở cá giống áp dụng phương pháp sử dụng bình vây trong sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực. Bắc Ninh hiện có 162 vùng nuôi thủy sản tập trung từ 10 ha trở lên với diện tích gần 3.000 ha. Do vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ sản xuất giống thủy sản không giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.


Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm