“Vỗ giòn” cá chép Định Bình cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Nguyễn Quốc Luật cho cá chép ăn đậu tằm để vỗ giòn. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Anh Nguyễn Quốc Luật cho cá chép ăn đậu tằm để vỗ giòn. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Từ cá chép tự nhiên, với quy trình “vỗ giòn” tương tự như nuôi bò “vỗ béo”, cá chép được nâng cấp thành cá chép giòn rồi bán ra thị trường với giá cao gấp 3 lần. Mô hình này đang hứa hẹn tạo nên nguồn lợi lớn cho nông dân huyện miền núi khó khăn Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định).

Anh Nguyễn Quốc Luật, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đã nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ Định Bình nhiều năm cùng với nhiều hộ dân khác. Anh phải vất vả mới vớt được 2 con cá chép lên giới thiệu. Anh Luật nói: “Con nhỏ này giòn rồi, còn con lớn chưa giòn!”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Luật giải thích: “Đơn giản là con nào được nuôi giòn đủ 5 tháng thì thịt giòn, còn con tuy lớn nhưng chưa được nuôi giòn đủ 5 tháng thì vẫn chưa giòn lắm!”.

“Vỗ giòn” cá chép Định Bình cho hiệu quả kinh tế cao ảnh 1 Cá chép đang được “vỗ giòn” tại hộ gia đình anh Nguyễn Quốc Luật. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN.

Hóa ra cá chép được anh Luật nuôi giòn là khai thác từ tự nhiên, ngay trong lòng hồ Định Bình. Kích cỡ cá giống khai thác được lớn hay nhỏ khác nhau để đưa vào “vỗ giòn” chứ không phải cá giống mỗi đợt đều có kích cỡ ngang bằng nhau.

Mô hình nuôi cá chép giòn được UBND huyện Vĩnh Thạnh mạnh dạn thí điểm sau khi giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh tìm kiếm mô hình kinh tế mới có thể nhân rộng tại địa phương.

Kỹ sư Nguyễn Văn Chinh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, được giao trực tiếp thực hiện mô hình cùng với hộ nông dân Nguyễn Quốc Luật trong lòng hồ Định Bình. Sau vụ đầu tiên năm 2020, cá chép giòn hồ Định Bình được đưa đi giới thiệu tại thị trường Đà Nẵng và được đánh giá rất cao. Thịt cá thật sự giòn và chất lượng rất cao nên lập tức được ưa chuộng. Anh Luật nói: “Sau vụ đầu tiên tới nay, nhận điện thoại mua cá liên tục, nhưng không có mà bán!”.

Cá chép giòn hồ Định Bình được đặt mua tại hồ với giá 150.000 đồng/kg, trong khi đó, giá cá chép thông thường chưa được “vỗ giòn” chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Kỹ sư Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Để vỗ giòn cá chép trong vòng 5 tháng, bình quân mỗi con sử dụng khoảng 2kg đậu tằm. Đậu tằm là loại thực phẩm chuyên để vỗ giòn cá chép nhập khẩu từ Australia, chi phí cho 2kg đậu tằm khoảng 40.000 đồng”.

“Vỗ giòn” cá chép Định Bình cho hiệu quả kinh tế cao ảnh 2Anh Nguyễn Quốc Luật cho cá chép ăn đậu tằm để vỗ giòn. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Anh Nguyễn Quốc Luật cho biết thêm: “Nuôi giòn cá chép không khó. Cá chép giống được khai thác từ tự nhiên ngay trong lòng hồ Định Bình. Sau khi đủ số lượng thì đưa vào nuôi giòn bằng cách cho ăn đậu tằm. Nuôi giòn đủ 5 tháng thì cá sẽ giòn, thịt giòn và dai hơn rất nhiều so với cá chép bên ngoài. Với giá bán như hiện nay thì hiệu quả kinh tế từ cá chép giòn sẽ rất cao”.

Hiện tại, lồng của anh Luật đang có hơn 300 con cá chép được vỗ giòn khoảng từ 1,4 – 4 kg/con sắp tới kỳ thu hoạch. Với những tín hiệu lạc quan từ các cuộc gọi đặt hàng và chất lượng cá thật sự đảm bảo, anh Luật đang hy vọng vào một mùa thu hoạch cá chép giòn có lợi nhuận cao.

Vĩnh Thạnh là huyện nghèo của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, địa phương này đang có lợi thế lớn với hơn 1.440 ha mặt hồ Định Bình nuôi cá nước ngọt, trong đó có thể nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, ông Nguyễn Văn Long nói: “Trước mắt, có thể thấy mô hình nuôi cá chép giòn có hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là cho đến nay, chưa có cơ quan ban ngành chức năng nào ban hành quy trình, quy chuẩn nuôi cá chép giòn. Do đó, việc nhân rộng mô hình này sẽ vướng mắc ở khâu quy trình kỹ thuật chuẩn. Chúng tôi cần Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định hỗ trợ cho vấn đề này”.

Phạm Kha

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm