Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk

Công an xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar hướng dẫn người dân truy cập và thao tác trên trang Zalo của Công an xã. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Công an xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar hướng dẫn người dân truy cập và thao tác trên trang Zalo của Công an xã. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Được triển khai từ tháng 3/2020, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng với mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, được các cấp chính quyền cùng quần chúng nhân dân đánh giá cao và nhiệt tình hưởng ứng.

Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk còn giúp người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công trong cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật…

Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk ảnh 1Giao diện trang Zalo của đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cư M’Gar. Ảnh: TTXVN phát


Cách làm hay ở nơi thí điểm

Mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” được Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thí điểm tại huyện Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột. Sau hơn 4 tháng, tại huyện Cư M’Gar, lực lượng Công an đã xây dựng được 234 trang/nhóm Zalo, trong đó có một trang của Công an huyện, ba trang của các đội nghiệp vụ Công an huyện, một trang của Đoàn Thanh niên Công an huyện và 17 trang Zalo của 17 Công an xã, thị trấn. Các trang Zalo thuộc Công an huyện đã tập trung tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm, các văn bản pháp luật, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính, tuyên truyền về dịch COVID-19 và dịch bạch hầu.

Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk ảnh 2Công an xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar hướng dẫn người dân truy cập và thao tác trên trang Zalo của Công an xã. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Ngoài ra, tại 189 thôn, buôn, tổ dân phố của huyện Cư M’Gar, lực lượng Công an huyện xây dựng 45 nhóm Zalo khác như: nhóm cơ sở cầm đồ, nhóm bảo vệ trường học, nhóm chức sắc Tin lành, nhóm các quán cà phê, nhóm các nhà nghỉ,… Thông qua mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình”, các nhóm này đã trao đổi, cung cấp một số tin tức có giá trị cho lực lượng Công an, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy trong trường học, tình trạng các cơ sở kinh doanh không thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19,… Qua các nhóm Zalo, người dân đã cung cấp nhiều thông tin về tín dụng đen, trộm cắp tài sản, đánh bạc, phát tán thông tin sai sự thật,… cho lực lượng Công an, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Quyền, Công an viên xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar cho biết, trước đây, địa bàn xã Ea Kpam nóng tình trạng trộm chó và trộm cắp tài sản, khiến người dân lo sợ và bất an. Nhờ tin báo của người dân thông qua trang Zalo Công an xã, Công an xã đã phục bắt được hai đối tượng trộm chó cùng tang vật (47,5kg chó), hai đối tượng trộm cắp tài sản; từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo được niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an. Ngoài ra, thông qua các nhóm Zalo, Công an xã quản lý tốt hơn về các khâu ra, vào địa phương trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, qua đó tiến hành công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk ảnh 3Cán bộ Công an huyện Cư M’Gar giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính cho người dân trên trang Zalo tại đơn vị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình”, Trung tá Bùi Chí Trung, Phó Trưởng Công an huyện Cư M’Gar cho biết, lực lượng Công an huyện Cư M’Gar đã mở lớp hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho cán bộ vận hành Zalo Công an huyện và các xã, thị trấn; phát triển tính năng trong Zalo để hỗ trợ công dân khi truy cập và tải về các biểu mẫu thường dùng; lắp đặt mạng wifi công cộng tốc độ cao miễn phí tại khu vực tiếp dân của Công an huyện. Công an các xã, thị trấn đã tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, quan tâm trang Zalo của Công an địa phương và vận động người dân cộng tác viết tin, bài.

Trung tá Bùi Chí Trung nhấn mạnh, hiện nay, tại huyện Cư M’Gar, mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” đã được triển khai đến lực lượng Công an và hệ thống chính trị ở thôn, buôn. Trong thời gian tới, lực lượng Công an huyện sẽ tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, lồng ghép trong các cuộc họp để vận động, hướng dẫn người dân truy cập và thực hiện thao tác trên mạng Zalo; vận động người dân vùng sâu có hoặc chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh kết nối thành nhóm gồm 5 – 10 hộ, sử dụng một tài khoản Zalo tương tác với lực lượng Công an. Bên cạnh đó, lực lượng Công an huyện sẽ tăng cường tính năng bảo mật và hướng dẫn người dân tránh bị lộ/lọt thông tin khi báo tin qua Zalo.

Tương tác và gần dân

Nói đến hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình”, không thể không kể đến vụ việc khuya 17/6/2020, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được tin nhắn của người dân qua tài khoản Zalo của đơn vị về một nhóm thanh, thiếu niên và học sinh mang theo nhiều loại hung khí tụ tập tại khu đất trống trên đường Hà Huy Tập, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk lập tức triển khai lực lượng đến hiện trường, phát hiện hơn 30 người mang theo dao, rựa, mã tấu các loại; triển khai bắt giữ được 21 người cùng 7 xe máy, 4 cây dao rựa. Các đối tượng khai mang hung khí đến hẹn gặp nhóm đối tượng khác để giải quyết mâu thuẫn. Theo Thượng tá Nguyễn Công An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk, nếu không kịp thời ngăn chặn vụ việc, để hai nhóm gặp nhau và dẫn đến xô xát, đánh nhau, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk ảnh 4Công an xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar hướng dẫn người dân truy cập và thao tác trên trang Zalo của Công an xã. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Một lợi ích khác mà mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” mang lại là truyền tải được nguyện vọng, thắc mắc của người dân đến lực lượng Công an một cách nhanh chóng. Chị H’Đào Niê, buôn Bling, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar phấn khởi chia sẻ, trước đây, nếu mất giấy tờ tùy thân, thay vì phải chạy lên chạy xuống trụ sở Công an, nay chị có thể nhắn tin vào trang Zalo của Công an xã hỏi về các giấy tờ cần thiết và được đăng ký thời gian hẹn để làm lại giấy tờ tùy thân, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức. Theo chị H’Đào Niê, trang Zalo của Công an xã, người dân dễ sử dụng, kết nối nhanh, thuận tiện, vì vậy nên tuyên truyền, hướng dẫn để đông đảo người dân biết, truy cập.

Có thể nói, mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk đã giúp lực lượng Công an và quần chúng nhân dân tương tác nhiều hơn, hỗ trợ lực lượng Công an nhiều thông tin giá trị để đỡ tốn nhiều công sức, thời gian trong công tác trinh sát và truy tìm thủ phạm.

Qua hơn 4 tháng triển khai, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 131 trang Zalo, với 74.383 lượt người quan tâm; tiếp nhận 349 thông tin về tình hình an ninh trật tự, tố giác tội phạm để kịp thời xử lý, đấu tranh, trấn áp tội phạm. Từ những kết quả đạt được tại mô hình điểm của huyện Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chấn chỉnh khắc phục những tồn tại hạn chế; đồng thời triển khai giai đoạn 2 của mô hình trên 184 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh từ ngày 1/6/2020.

Hiệu quả của mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk ảnh 5Nhờ tin báo qua Zalo và camera tại nhà dân, lực lượng công an đã bắt được thủ phạm vụ trộm máy bơm nước, máy cắt cỏ tại nhà chị Nguyễn Thị Văn, thôn 8, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar khi đang trên đường đi tẩu tán tài sản. Ảnh: TTXVN phát

Theo Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, trên không gian mạng đang phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, từ tội phạm rửa tiền đến lừa đảo, huy động vốn theo hình thức đa cấp đều đang tận dụng tối đa mạng xã hội. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm trên địa bàn và việc sử dụng mạng xã hội của các đơn vị, Công an tỉnh triển khai thí điểm phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng gắn với mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình”. Bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực của mô hình mang lại trong việc tiếp nhận và xử lý tin báo tội phạm, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế được những hành vi có thể xảy ra phạm tội; góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đại tá Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, để mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” tiếp tục phát huy hiệu quả cao, trong thời gian tới, lực lượng Công an xác định, việc triển khai mô hình là nhiệm vụ trọng tâm và có kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng viết tin, bài cho lực lượng Công an các cấp.

Qua hơn 4 tháng triển khai, mô hình “Kết nối Zalo an ninh – Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk đã và đang giúp lực lượng Công an gần dân, sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, dần dần giải quyết những âu lo, mang lại bình yên cho người dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tố giác và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mô hình cũng đã góp phần làm tăng niềm tin của nhân dân và các cấp chính quyền về người Công an nhân dân “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, góp phần nâng cao hiệu quả của phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm