Nhiều nông dân ở tỉnh Tuyên Quang đang mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ hướng truyền thống sang hiện đại. Nhờ vậy, đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường, không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh ở tỉnh Tuyên Quang.
Xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn là nơi được coi là “vựa bưởi” ở Tuyên Quang. Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, hiện tổng diện tích bưởi trên địa bàn xã là gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Soi Hà, Soi Đát, Đô Thương 6, Vân Giang, Đồng Cày... Để cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, nhiều hộ trồng bưởi đã ủ phân hữu cơ để chăm bón cho cây thay cách chăm bón truyền thống. Đặc biệt, với xu thế phát triển nông nghiệp sạch như hiện nay thì dùng phân hữu cơ càng có nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra sản phẩm sạch, ít lạm dụng phân bón hóa học, từ đó giúp nuôi dưỡng, bảo vệ lâu dài môi trường đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Vườn bưởi hơn 7 ha của anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân đã áp dụng tưới phân bón hữu cơ tự làm khoảng 2 năm nay. Hiện vườn có sự khác biệt rõ rệt, lá bưởi xanh đậm hơn, cây có sức sống và cho quả to hơn trước. Anh Phạm Văn Yên chia sẻ, việc dùng nhiều phân hóa học khiến đất ngày càng bạc màu do dẫn đến hiện tượng cây bưởi bị bó rễ. Chính bởi vậy, anh Yên đã tìm hiểu cách làm phân hữu cơ tại nhà trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm đến các chủ vườn, những người có kinh nghiệm trong việc ủ phân hữu cơ để học hỏi. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Yên đã ủ thành công loại phân hữu cơ đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng và không có mùi hôi.
Anh Yên cũng cho biết thêm, để phục vụ vụ bưởi năm nay, anh ủ 30 thùng phân hữu cơ, mỗi thùng dung tích khoảng 50 lít phân hữu cơ đậm đặc. Một thùng có thể pha được 300 lít nước phục vụ tưới 300 cây bưởi trong 3 tháng mà không cần dùng thêm phân hóa học gì. Nguyên liệu để ủ phân là nguồn rác hữu cơ nhà vườn hoặc tận dụng gà, cá, vịt chết, bắt ốc sên hại vườn cây, sau đó trộn với các loại rau, quả, mật mía và sữa... Tùy từng loại nguyên liệu mà thời gian ngâm, ủ kéo dài từ khoảng 25 - 60 ngày.
Hiện nay, vườn bười gia đình anh Yên đang cho chất lượng quả tốt. Bưởi loại A nặng từ 2,2 đến 2,4kg/quả, còn lại trung bình đạt 1,8 kg, với giá bán 23 nghìn/kg, mỗi quả bán được từ 40 – 55 nghìn đồng. Vụ bưởi năm 2022, anh Yên thu về trên 300 triệu đồng. Hiện nay, anh Phạm Văn Yên vẫn đang tiếp tục tập trung nghiên cứu để làm ra công thức chuẩn ủ phân hữu cơ đạt chất lượng tốt nhất để chia sẻ cho mọi người.
Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, trên địa bàn xã Xuân Vân đang có khoảng 10 hộ gia đình học tập mô hình tự ủ phân hữu cơ tại nhà để chăm bón cho cây trồng như anh Phạm Văn Yên. Việc những nông dân như anh Yên chủ động, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi hướng chăm sóc tạo ra sản phẩm chất lượng, năng suất cao, không chỉ giúp nâng cao thu nhập gia đình, mà còn góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống 15%.
Gia đình anh Lại Tiến Sơn, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương bắt đầu làm chả cá từ năm 2019. Khoảng hơn 1 năm nay, mô hình dần phát triển bền vững hơn và tạo thương hiệu trên thị trường. Anh Lại Tiến Sơn cho biết, nhiều năm trước, gia đình anh nhận thầu đập Hoa Lũng, tại xã Đại Phú diện tích 27,8 ha để nuôi cá thương phẩm. Đến khi dịch COVID bùng phát, gần 800 tấn cá vừa khó tiêu thụ vừa mất giá, khiến kinh tế gia đình bị ảnh hưởng lớn. Sau nhiều ngày tìm giải pháp tiêu thụ cá nhưng không thành công, anh Sơn quyết định chuyển hướng từ bán cá tươi sang chế biến chả cá. Từ khi sản xuất chả cá, giá trị kinh tế mang lại cao hơn, đồng thời, anh cũng không phải lo lắng việc tiêu thụ sản lượng cá đến tuổi khai thác như trước nữa.
Anh Sơn chia sẻ, tháng 2/2021, từ mô hình sản xuất gia đình, anh Sơn thành lập Hợp tác xã Chả cá Nga Sơn với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đối tác liên kết, gây dựng và thương hiệu chả cá Nga Sơn ra thị trường. Anh đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng xưởng, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất chả cá. Để tạo ra sản phẩm chả cá chất lượng, anh Sơn luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi, ngon; quá trình sơ chế, sản xuất phải tuyệt đối sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không sử dụng chất phụ gia độc hại.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp từ 4 – 5 tạ chả cá cho một số cửa hàng tiện lợi, nhà hàng tại Hà Giang, Hà Nội và một số bếp ăn trường học tại huyện Sơn Dương. Hợp tác xã cũng tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phú, huyện Sơn Dương cho biết, anh Lại Tiến Sơn là một trong những nông dân điển hình của xã Đại Phú, ngoài việc chủ động trong lao động, sản xuất nông nghiệp, còn ứng dựng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, chính quyền xã Đại Phú sẽ tạo điều kiện, hướng Hợp tác xã Chả cá Nga Sơn thực hiện đăng ký OCOP cho sản phẩm...
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm gần đây, nông dân ở Tuyên Quang đã năng động, sáng tạo hơn trong lao động sản xuất, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Tuyên Quang. Đổi mới này góp phần tạo ra những đột phá về chất lượng, năng suất của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.
Vũ Quang