Ngày 26/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm chủng, quản lý tiêm chủng và xử lý phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine COVID-19, kết nối đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc.
Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, an toàn tiêm chủng là vấn đề rất được quan tâm. Vì thế, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả địa phương phải mời các cơ sở y tế tham dự bao gồm cả y tế tư nhân vì một người có phản ứng sau tiêm có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào. Việc chẩn đoán, xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế là để phản ứng phụ không mong muốn không tiến triển nặng hơn.
Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4
Thời gian qua, với sự nỗ lực của toàn thể lực lượng, người dân trên toàn quốc, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch thành công 3 đợt dịch. Trong đợt dịch cuối ở Hải Dương có số nhiễm khá cao, đến nay Hải Dương vẫn rải rác có ca mắc bởi mặc dù tỉnh đã thực hiện cách ly, truy vết nhưng một số địa phương trong tỉnh thực hiện chưa triệt để.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ rất cao và hiện hữu có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 vì tình hình dịch các nước trong khu vực còn rất phức tạp. Việt Nam có đường biên trải dài và rộng, nhiều khó khăn trong việc quản lý các trường hợp xuất, nhập cảnh. Cụ thể, sáng 26/3, Bộ Y tế thông báo thêm về các ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc vào lúc 5h00 ngày 22/3. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả địa phương có trường hợp nhập cảnh thì phải truy vết, cách ly ngay lập tức.
"Đây là những trường hợp đã xác định được nhưng cũng có thể có những trường hợp nhập cảnh trái phép không phát hiện được, lại không có dấu hiệu lâm sàng. Vì thế, đây có thể trở thành nguồn nhiễm trong cộng đồng". Vì vậy, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu tất cả địa phương phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế; phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ sở vật chất, năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị… để nếu dịch xảy ra chúng ta không bị động. Xử lý càng nhanh thì càng hạn chế được mức độ ảnh hưởng của COVID-19 với cộng đồng. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ liên tục đề nghị "truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng và phong toả trên diện hẹp" để hạn chế tác động của COVID-19 với người dân.
Khan hiếm nguồn cung vaccine
Vaccine hiện là vấn đề nóng với tất cả các nước toàn cầu. Đến nay, dù có hơn 250 loại vaccine được các nước nghiên cứu phát triển, nhưng chỉ 13 loại được cấp phép với 486 triệu liều sử dụng trên toàn cầu. Nhiều quốc gia ngay từ đầu dịch COVID-19 đã có sự đầu tư mạnh mẽ và mua loại vaccine đó.
Cuộc đua vaccine và thiếu hụt nguồn cung là sự thật hiện hữu. Một số nước có phương thức mua rủi ro (đầu tư rủi ro) nghĩa là khi vaccine chưa phát triển, họ đã đặt mua, thậm chí gần 30 nước đã mua vượt quá nhu cầu so với nhu cầu thực tế người dân, có nước mua cao hơn 400%. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, trao đổi với các hãng sản xuất vaccine COVID-19 có đăng ký trên thế giới và đề nghị cung ứng cho thị trường Việt Nam như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Sputnik V…, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Trước đó, Bộ Y tế đã có trao đổi với các nước để có sự hợp tác nghiên cứu sản xuất, phát triển vaccine ở Việt Nam, sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 ở Việt Nam. "Điều đó có nghĩa là Việt Nam sử dụng mọi phương án để tiếp cận vaccine nước ngoài một cách sớm nhất". Từ quý 2/2020, Việt Nam đã thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Có 2 trong số 4 công ty đã đi vào thử nghiệm. Theo đánh giá chung, các vaccine này "an toàn với sử dụng", còn hiệu quả ra sao phải chờ giai đoạn 3 thử nghiệm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đã cố gắng để sớm tiếp cận thêm nguồn vaccine trên thế giới. Trong tháng 4/2021, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ nhận khoảng 1,4 triệu liều vaccine AstraZeneca đầu tiên qua cơ chế COVAX, tuy nhiên, do điều kiện khách quan từ nhà cung cấp nên lộ trình cung ứng sẽ chậm lại khoảng gần 1 tháng.
Bộ trưởng cho biết, Cục Quản lý dược đã hai lần có công văn đề nghị các đối tác và Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị đại sứ một số nước tăng cường tiếp cận nguồn cung ứng vaccine dồi dào hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, “chúng ta không phải là nước được ưu tiên tối đa trong việc tiếp cận vaccine do tình hình dịch ở trong nước được kiểm soát tốt", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
"Tiêm đến đâu an toàn đến đấy"
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện đang có tâm lý e ngại về phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tất cả vaccine kể cả vaccine cũ đều có phản ứng gồm phản ứng thông thường và phản ứng không mong muốn nặng sau tiêm. Phản ứng thông thường như sốt, đau mỏi cơ,… sẽ hết nhanh mà tỷ lệ này khá cao.
Tại một số nước châu Âu vừa qua quá trình tiêm chủng vaccine AstraZeneca bị gián đoạn do ghi nhận có tình trạng đông máu sau tiêm. Tuy nhiện, việc đánh giá tổng thể cho thấy không có bất cứ mối liên quan nào giữa vaccine và hiện tượng đông máu này. Do đó, nhiều nước châu Âu quay lại tiêm vaccine.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát kỹ tất cả các trường hợp phản ứng nặng hơn bình thường và trong hơn 42.200 người tiêm (tính đến hết ngày 25/3) không ghi nhận bất cứ trường hợp nào có hiện tượng đông máu.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, những phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine AstraZeneca ở nước ta đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã yêu cầu hội đồng chuyên môn và các cơ quan đánh giá tổng thể, chi tiết các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm với quan điểm "tiêm đến đâu an toàn đến đấy".
Với các cơ sở y tế, điều quan trọng nhất là xử lý ngay và cao hơn một mức với các trường hợp có biểu hiện phản ứng sau tiêm để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Sau buổi tập huấn, Sở Y tế phải tập huấn lại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, lưu ý đến thời hạn bảo quản, cách sử dụng với tất cả các loại vaccine COVID-19. "Việc này phải làm nhanh, chính xác", Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào tháng 5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác an toàn về y tế cho cuộc bầu cử là vấn đề rất quan trọng, bởi đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước trong năm 2021.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia hướng dẫn tiêm chủng an toàn, phát hiện kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng; hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm; hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca; Kế hoạch công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bích Thủy