Hậu Giang xây dựng mô hình canh tác lúa phù hợp điều kiện từng vùng

Sáng 13/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo Tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.

vna_potal_hau_giang_tong_ket_mo_hinh_canh_tac_lua_thong_minh_vu_dong_xuan_2023_–_2024_7268773.jpg
Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông Xuân 2023 - 2024 được thực hiện với diện tích khoảng 10 ha tại xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thuỷ. Mô hình là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật của Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các mô hình trình diễn tập trung xây dựng mô hình có hiệu quả thực tế, phù hợp với canh tác ở từng vùng kết hợp với tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác một cách bài bản, căn cơ cho bà con nông dân có thể chủ động áp dụng. Cùng với đó là đánh giá thêm các tiêu chí mới như cải thiện môi trường đất, tăng chất lượng lúa gạo, canh tác thân thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.

Qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, mô hình tại Vị Trung và Vị Bình sử dụng 60 kg giống/ha; năng suất đạt 9,9 tấn/ha tại xã Vị Trung và 8,9 tấn/ha tại xã Vị Bình; lợi nhuận đạt trên 64,9 triệu đồng/ha tại xã Vị Trung và trên 51,9 triệu đồng/ha tại xã Vị Bình.

vna_potal_hau_giang_tong_ket_mo_hinh_canh_tac_lua_thong_minh_vu_dong_xuan_2023_–_2024_7268776.jpg
Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Các mô hình không so sánh với đối chứng, tuy nhiên, nếu so với bình quân trong canh tác lúa tại địa phương đã giảm được lượng giống từ 60 - 90 kg/ha, giảm lượng phân bón. giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất cao hơn từ 100 - 200 kg/ha, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn từ 1,4 - 4,5 triệu đồng/ha cho bà con nông dân trong các mô hình.

Ngoài ra, đánh giá thêm về chất lượng gạo và dư lượng qua thu mẫu, phân tích so với sản xuất của nông dân lân cận cho thấy chất lượng gạo được nâng lên, tỷ lệ thu hồi gạo khi xay xát tăng lên, không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại hội thảo, các công ty, nhà khoa học, ngành chuyên môn trình bày những kết quả đạt được của mô hình trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và cùng trao đổi với bà con nông dân về các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm canh tác trong mô hình để bà con nông dân được tiếp cận tốt hơn với những kỹ thuật mới.

Theo GS. TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng ban cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng hai tiêu chí: thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ và không ngừng cập nhật giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả, không cố định một phương pháp canh tác.

vna_potal_hau_giang_tong_ket_mo_hinh_canh_tac_lua_thong_minh_vu_dong_xuan_2023_–_2024_7268774.jpg
GS. TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng ban cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh, phát biểu. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Với những kết quả đạt từ 2 mô hình tại Hậu Giang và các tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, cũng như sự hợp tác, phối hợp rất hiệu quả từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị, đây sẽ là một quy trình canh tác lúa phù hợp và hiệu quả cho bà con nông dân trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, có thể là một trong những quy trình phù hợp để góp phần vào triển khai xây dựng thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang có giá trị sản xuất lúa chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất khu vực I. Diện tích lúa gieo trồng hằng năm trên 177 nghìn ha, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn, trong đó vụ Đông Xuân khoảng trên 74 nghìn ha với sản lượng gần 600 nghìn tấn. Thông qua tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể, từ tư duy đến tập quán canh tác. Đặc biệt, nhiều nông dân, hợp tác xã đã ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ thông minh trong sản xuất lúa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang thuộc nhóm các tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, qua hội thảo, các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của nhà khoa học, bà con nông dân, các doanh nghiệp sẽ góp phần giúp tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong canh tác lúa thông minh và thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, ngành nông nghiệp tỉnh cũng triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Hậu Giang triển khai đề án tại 6/8 đơn vị cấp huyện gồm: thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ.

Mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 46.000 ha diện tích lúa chuyên canh chất lượng cao; lượng giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/ha; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 70%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 8%; 100% diện tích thu hoạch được thu gom rơm khỏi đồng ruộng, tái sử dụng hoặc được xử lý không ô nhiễm môi trường; giảm trên 10% phát thải khí nhà kính; 20% sản lượng gạo vùng đề án xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm