Nghề may quần áo đã giúp gia đình chị Oanh ổn định cuộc sống.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo và phát sinh các hộ nghèo mới, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo có “cần câu” để cải thiện điều kiện kinh tế. Vì thế, việc hỗ trợ vốn để người nghèo làm tư liệu sản xuất luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề còn mở nhiều lớp dạy nghề, để hỗ trợ tay nghề, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.
Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình ông Đinh Văn Nhớ, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, có điều kiện để tham gia sản xuất. Gia đình ông Nhớ rất khó khăn, vợ ông bị bệnh tiểu đường đã 5 năm nay. Do nhiều năm chữa bệnh cho vợ nên gia cảnh ngày càng nghèo khó. Trước hoàn cảnh khó khăn, ông được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 5 triệu đồng. Có tiền, ông liền đầu tư vào chăn nuôi cá và nuôi vịt. Hiện nay, cá dưới ao sắp đến vụ thu hoạch, còn vịt cũng vừa bán xong, gia đình cũng thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng. Ông Nhớ chia sẻ: “Nhà thì ít đất sản xuất, trong khi vợ tôi lại bệnh, tôi suy nghĩ không biết làm cách nào để cải thiện cuộc sống. Nay nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mà tôi có điều kiện để chăn nuôi, hy vọng kinh tế gia đình sẽ khá hơn trong thời gian tới. Với người nghèo chúng tôi, sự quan tâm, hỗ trợ này chính là động lực chúng tôi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.
Còn chị Cao Thị Kiều Oanh, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cũng hết sức phấn khởi khi thoát được cảnh nghèo. Vốn mê nghề may từ thời con gái, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên chị Oanh không có điều kiện học nghề. Do đó, khi địa phương mở lớp dạy nghề may, chị đã đăng ký và chăm chỉ, siêng năng học nghề. Hiện nay, chị Oanh may quần áo tại nhà, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn. Nhờ thu nhập ổn định từ nghề may mà gia đình chị Oanh đã thoát được cảnh nghèo vào cuối năm 2014 vừa qua.
Sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp đã trở thành điểm tựa vững chắc để người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Theo ông Hà Minh Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, để người nghèo sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, địa phương đã cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Từ đó, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa tránh lãng phí nguồn vốn.
Bên cạnh hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ về nhà ở để hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”. Như trường hợp của gia đình ông Trương Văn Hường, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Do hoàn cảnh nghèo khó nên gia đình phải sống trong ngôi nhà xuống cấp, dột nát, mỗi khi trời mưa thì dột nước khắp nơi. Nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành mà hiện nay gia đình có được căn nhà kiên cố. Ông Hường cho biết: “Nhận được sự hỗ trợ này, gia đình tôi vui mừng khôn tả, vì nay cả nhà đã có mái ấm vững chắc, hết sợ cảnh “mưa dột gió lùa” nữa rồi”.
Nhìn chung, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp đã giúp người nghèo cảm thấy ấm lòng, từ đó, nỗ lực nhiều hơn để vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, để công tác xóa đói giảm nghèo thật sự bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ thì các hộ nghèo cần chủ động trong việc tìm việc làm, tham gia mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... để có thêm thu nhập, tự mình vươn lên thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 5.744 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền gần 70 tỉ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vận động xã hội hóa, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hàng tỉ đồng. |
Báo Hậu Giang