Hậu Giang: Luồng gió mới trong sản xuất lúa

Hậu Giang: Luồng gió mới trong sản xuất lúa
Nông dân sản xuất theo mô hình mới vụ lúa thu hoạch xong, doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, không phải lo đầu ra.
Nông dân sản xuất theo mô hình mới vụ lúa thu hoạch xong, doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, không phải lo đầu ra.

Tín hiệu vui

Vụ Đông xuân 2015-2016, trên cánh đồng lớn hơn 100ha thuộc ấp 9 và ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, rền vang tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Cả cánh đồng lúa, tất cả khâu sản xuất đều được sử dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài niềm vui được mùa, nông dân ở đây thêm phần phấn khởi vì toàn bộ lúa sản xuất với giống lúa RVT đã được doanh nghiệp tư nhân Công Bình bao tiêu với giá 6.100 đồng/kg lúa tươi, cũng như hỗ trợ cho mượn giống và 5 triệu đồng mua phân thuốc sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tạo, ở ấp 11, xã Vị Thắng, cho biết: “Đây là vụ đầu tiên tôi tham gia vào cánh đồng mẫu và sản xuất lúa cho Công ty Công Bình với kết quả ngoài mong đợi. Nhà có 3ha lúa sản xuất theo mô hình mới đã cho lợi nhuận trên 110 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa khác khoảng 40 triệu đồng”.

Cũng trong vụ Đông xuân vừa qua, 45ha lúa của Hợp tác xã Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, cũng được Công ty Công Bình ký hợp đồng sản xuất nếp chùm với giá bao tiêu 5.700 đồng/kg nếp tươi. Khi tham gia ký kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ giống, áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, gieo sạ đồng loạt, vì vậy nhiều nông dân của Hợp tác xã Hai Huynh thu được lợi nhuận từ 2,5-3 triệu đồng/1.000m2, cao hơn từ 1-1,5 triệu đồng/1.000m2 so với những hộ sản xuất lúa không tham gia mô hình liên kết tại khu vực. Bà Nguyễn Thị Cẩm, ở ấp 7, xã Vị Thắng, một trong những hộ tham gia mô hình liên kết vui mừng, cho biết: “Lúc đầu công ty đưa giống để gieo sạ, bà cũng lo ngại vì sợ không bán được lúa. Nhưng khi được thu hoạch, công ty thu mua giá 5.700 đồng/kg nên bà con ở đây rất phấn khởi”.

Trên nét mặt rạng ngời niềm vui, nông dân Danh Tài, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, canh tác hơn 1,5ha lúa, cho biết đã 5 vụ lúa liên tiếp được doanh nghiệp tư nhân Công Bình bao tiêu giống RVT. 5 vụ lúa vừa qua của ông Tài là cả 5 vụ lúa thu hoạch xong, doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, không phải lo đầu ra gì cả. Đồng thời, việc bán lúa được nhanh nên lúa không bị hao hụt, đảm bảo năng suất và chất lượng. Ông Tài hợp đồng với công ty thu mua và được bao tiêu giá cao hơn so với sản xuất bình thường trên 1.000 đồng/kg. Công ty đưa lúa giống, hỗ trợ ông Tài mua vật tư kịp thời, do đó ông không lo bị ép giá và không tốn công vận chuyển sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có hơn 5.000ha lúa được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cũng như ký kết với nông dân sản xuất theo quy trình, kỹ thuật, giống lúa do công ty đưa ra. Cách thức làm ăn mới bước đầu hiệu quả và phù hợp này đang được khá đông bà con nông dân trong tỉnh tham gia; việc ký kết đã giúp nông dân mạnh dạn chủ động sản xuất. Cũng nhờ đó, việc sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao, góp phần xây dựng cánh đồng lớn hiệu quả”.

Thắt chặt liên kết

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân vừa qua trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu 8.000ha lúa, gồm Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm Miền Tây, Công ty TNHH một thành viên Khang Hưng, Công ty TNHH một thành viên thủy sản Hoàng Long, doanh nghiệp tư nhân Công Bình. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Thời gian qua, việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn có một vài trở ngại, khó khăn, trong đó cái khó lớn nhất là nông dân khi tham gia mô hình này thì đầu ra còn thiếu ổn định, giá cả còn bấp bênh và vẫn còn bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, mối liên kết của một vài mô hình bao tiêu sản xuất lúa thời gian qua vẫn chưa được chặt chẽ như mong muốn. Cụ thể, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn còn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau”.

Theo ông Ngô Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, hiện nay hợp đồng bao tiêu nông sản có tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên đới giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên, do đó mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa được lan rộng mạnh.

Còn ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm: “Các vụ lúa trước đây, việc nông dân phá vỡ hợp đồng trong ký kết với đơn vị bao tiêu thường xuyên xảy ra. Dù đã giao ước hợp đồng và nhận tiền đặt cọc, nhưng khi giá thị trường tăng, nông dân bán ra bên ngoài hoặc bán một nửa theo hợp đồng, một nửa cho người khác. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất lòng tin với doanh nghiệp”.

Ngược lại, người dân còn ngần ngại uy tín, thực lực của các đơn vị bao tiêu. Điển hình như vụ lúa Hè thu 2016, Công ty Lương thực Sông Hậu là thành viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy ký kết bao tiêu 300ha lúa tại xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thủy - 2 địa phương đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện nhưng không thành công, do công ty hẹn 3 ngày sau cân lúa sẽ trả tiền nhưng nông dân muốn công ty trả tiền liền tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ theo dõi cũng như tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất lúa vụ Hè thu này. Hiện nay, tại các địa phương có mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa cũng như hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia đại diện phía nông dân. Đặc biệt, trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nay có thêm điều khoản doanh nghiệp phải trả tiền sau bao nhiêu ngày cân lúa của nông dân. Điều khoản này trước đây không có nên giữa doanh nghiệp và nông dân nhiều nơi không hiểu nhau đã dẫn đến nhiều chuyện không đáng có.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm