Hàng trăm ha cao su mọc trên đất rừng tại Gia Lai - trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng trăm ha cao su mọc trên đất rừng tại Gia Lai - trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng trăm diện tích cao su vô chủ mọc trên đất rừng đã nhiều năm, qua 3 "đời" Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ… nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo Kết luận Thanh tra số 11/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai, từ năm 2008 - 2019, hơn 1.200 ha rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã bị chặt phá, lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp và cao su. Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ có gần 870 ha được làm rõ là do người dân lấn chiếm. Đối với 359,8 ha rừng còn lại, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho rằng chủ rừng đã biết nhưng không báo cáo. Thậm chí trong biên bản kiểm kê rừng năm 2014, chủ rừng còn kê diện tích này vào diện rừng trồng của đơn vị. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ đối tượng hủy hoại, lấn chiếm đất rừng tại đây là một số doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông) cho biết, trong số diện tích rừng thuộc lâm phần của Ban Quản lý hiện có 359,8 ha rừng bị lấn chiếm, thuộc 9 tiểu khu (gồm các tiểu khu 889, từ 919 đến 924, 229 và 919A). Trong đó, 200 ha đã có cây cao su xanh tốt, đang ở giai đoạn kinh doanh, đạt đường kính thân từ 20 - 30 cm. Cách đây khoảng 2 năm, trong quá trình trông coi diện tích này, cán bộ quản lý rừng phát hiện hàng chục người dân ở các địa phương khác được thuê để khai thác mủ.

Vụ việc trên đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can là Nguyễn Thị Hương và Phan Quốc Huy (là các Giám đốc Ban Quản lý rừng Ia Puch trong các giai đoạn từ 2008 đến 2012) để điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng từ năm 2019. Song đến nay, những diện tích cao su trồng trái phép trên đất rừng này vẫn chưa có hướng xử lý. Đơn vị quản lý rừng phải vất vả “canh trộm khai thác mủ”, chính quyền huyện Chư Prông cũng không biết phải xử lý như thế nào đối với diện tích cao su trái phép trên. “Chúng tôi đang phải cắt cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát diện tích cao su trên. Hầu hết những người được thuê khai thác đều ở địa phương khác đến nên rất khó quản lý”- ông Nguyễn Anh Vũ cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết diện tích cao su trồng trên đất rừng này nằm ngay sát diện tích đất rừng chuyển đổi để trồng cao su mà tỉnh Gia Lai giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Chư Prông, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Trung Nguyên. Từ thực tế tại hiện trường nhận thấy, nhiều diện tích cao su hợp pháp và trái phép nằm cạnh nhau đều do một đơn vị quản lý, từ quy trình chăm sóc, khai thác mủ, vật dụng chăm sóc cao su đều giống nhau. Thế nhưng, việc tìm ra đối tượng vi phạm dù đã nhiều năm nhưng vẫn còn là một “ẩn số”. Điều này khiến chính quyền địa phương huyện Chư Prông gặp khó trong công tác quản lý, xử lý dứt điểm vi phạm.

Ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: "Chúng tôi có trách nhiệm phối hợp với các ngành để làm rõ và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng của tỉnh sớm giải quyết dứt điểm sự việc, để công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao nhất trong quản lý diện tích rừng còn lại và diện tích bị sai phạm".

Hàng nghìn ha đất rừng bị hủy hoại nhưng vì chậm trễ phát hiện nên hàng trăm ha cao su đã mọc lên trái phép là ví dụ điển hình cho những "con voi chui lọt lỗ kim" trong quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Chư Prông. Công tác điều tra, xử lý vụ việc tại địa phương cũng chậm trễ đến khó hiểu, tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tới hiệu quả giữ rừng của tỉnh Gia Lai.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm