Lực lượng kiểm lâm kiểm tra diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Sau 3 năm triển khai, đến cuối năm 2019, người dân tỉnh Gia Lai tự nguyện kê khai hơn 31.000 ha đất rừng bị cơi nới, lấn chiếm, nhiều hơn kế hoạch diện tích tối thiểu của UBND tỉnh Gia Lai dự kiến thu hồi trong 3 năm (2017-2019). Tuy vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai mới chỉ tiến hành trồng lại được khoảng 60% diện tích này bởi chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng gặp khó trong việc triển khai trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp.
Người dân không mặn mà vì hiệu quả kinh tế không cao
Tính từ năm 2017, thời điểm triển khai kế hoạch 1123, tuy các địa phương trong tỉnh đã vận động được hơn 17.000 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng bị lấn chiếm hơn 31.500 ha, nhưng đến hết năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai chỉ mới trồng lại được hơn 18.000 ha rừng sản xuất (năm 2017: 6.718,9 ha; năm 2018: 6.283,6 ha; năm 2019: 5.139,6 ha) và kế hoạch năm 2020 trồng mới 5.000 ha.
Về việc diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi đúng kế hoạch đề ra nhưng diện tích trồng lại rừng vẫn thấp, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Từ khi triển khai chính sách (năm 2017) đến nay Chính phủ vẫn chưa phân bổ kinh phí theo Quyết định số 38/2016/QĐ–TTg ngày 14/9/2016. UBND tỉnh Gia Lai đã phải chi tạm ứng số tiền 65,425 tỉ đồng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ kinh phí chăm sóc rừng trồng qua các năm và trồng mới năm 2020 cho các hộ dân và chủ rừng.
Theo đó, công tác trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp tại địa bàn tỉnh Gia Lai còn gặp một số vướng mắc như quỹ đất trống quy hoạch đất rừng sản xuất manh mún, rải rác; một số diện tích người dân đã xen canh sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất. Công tác vận động, tuyên truyền đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm, làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương chưa đồng bộ, thuyết phục, vì họ chưa thấy rõ giá trị của việc trồng rừng mang lại. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng chưa cao nên chưa kích thích các doanh nghiệp, người dân tham gia trồng rừng.
Các diện tích rừng trồng lại ở xa khu dân cư, chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống, đồng thời do chu kỳ trồng rừng kinh doanh dài từ 4-10 năm, người dân không có vốn đầu tư, trong khi phải lo cho cuộc sống hiện tại. Đó cũng là lý do khiến người dân chủ yếu trồng cây ngắn ngày để thu hoạch trong năm nên chưa mạnh dạn đầu tư vay vốn trồng rừng.
Kinh phí hỗ trợ trong cả chu kỳ trồng rừng sản xuất cho người dân quá thấp cũng là một trong những vấn đề hạn chế việc người dân đăng ký trồng rừng. Cụ thể, với 1 ha rừng trồng cây keo hoặc bạch đàn, người dân được hỗ trợ 7 triệu đồng trong cả chu kỳ 5-6 năm (năm thứ nhất 3 triệu đồng, năm thứ hai 2 triệu đồng, năm thứ ba 2 triệu đồng). Đồng thời, trên diện tích 1 ha, nếu người dân trồng mới, sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng mua giống cây, tương đương với khoảng 1.600 cây con. Nếu muốn rừng đạt mức che phủ và tận dụng công chăm sóc, người dân phải bỏ ra gần 50% kinh phí đầu tư mua thêm cây giống. Do vậy, đa số người dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ chọn phương án trồng cây ngắn ngày để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, kinh tế gia đình thay vì vay mượn vốn đầu tư trồng rừng.
Hướng đi đúng, tạo sinh kế lâu dài
Tuy còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vận động người dân tham gia phát triển lâm nghiệp, trồng rừng. Các địa phương đã tuyên truyền để người dân hiểu, xem đây là một hướng đi đúng trong sản xuất nông lâm nghiệp tạo sinh kế lâu dài, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần tăng độ che phủ của rừng, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Hình ảnh cán bộ kiểm lâm, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp, thường xuyên đến tận nhà hoặc kết hợp với các cuộc họp thôn, làng để tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm, khuyến khích người dân đăng ký trồng rừng đã khá quen thuộc với người dân vùng núi huyện Kông Chro.
Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
3 năm qua (2017-2019), huyện Krông Chro đã có gần 700 hộ, hầu hết là người dân tộc thiểu số tham gia đăng ký trồng gần 2.250 ha rừng, vượt 317,54 ha so với kế hoạch diện tích UBND tỉnh giao. Các loại cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp đồi núi dốc, không liền thửa, nhưng cho hiệu quả khả quan, tỷ lệ sống trên 95%. Riêng năm 2020, gần 200 hộ dân trên địa bàn huyện Krông Chro đã đăng ký trồng gần 400 ha rừng, vượt kế hoạch được giao. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị lẫn ý thức người dân mà Krông Chro là điển hình trong công tác trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp và được nhiều địa phương, đơn vị đến tham quan, học hỏi, nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết: Địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Bahnar đến từng hộ dân, kết hợp các cuộc họp thôn, làng để vận động bà con trồng lại diện tích rừng. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành phát tờ rơi, gắn các biển báo sinh động, trực quan dễ hiểu để người dân nhận thức được vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Hiện các diện tích cây trồng trên đất lâm nghiệp địa phương sinh trưởng tốt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp tại địa phương.
Anh Đinh Lich, Trưởng thôn Plan, xã Đăk Pling, huyện Kông Chro, cho biết: Được chính quyền vận động, gia đình anh nhận trồng 3 ha cây keo, đến nay đã sắp thu hoạch, cây phát triển cao, khỏe. Nhận thức được việc trồng lại rừng sản xuất là góp phần giảm biến đổi khí hậu, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nên anh đã tuyên truyền, vận động bà con trong làng cùng nhận khoán trồng rừng. Đến nay, 100% hộ dân trong làng đều đăng ký trồng rừng, góp phần nâng tổng số diện tích đăng ký trồng rừng toàn xã lên 80 ha trong năm 2020.
Với 17 huyện, thị trên địa bàn, tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trồng lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị cơi nới, lấn chiếm, để ổn định cuộc sống cho người dân, đồng thời giảm thiểu biến đổi khí hậu do mất rừng gây ra.
Hồng Điệp