|
Khi năm 2016 mới bắt đầu được vài tuần, các vận động viên Hàn Quốc trong quá trình chuẩn bị tham gia Olympic tại Rio de Janeiro (Brazil) vào mùa Hè này cũng đang nhẩm lại câu nói: họ có thể không giành được huy chương nào trong tháng Giêng nhưng có thể đánh mất huy chương ngay cả trước khi họ tới Brazil. Đó chính là điều quan trọng được gửi gắm vào kỳ tập luyện mùa Đông vừa qua của các vận động viên trước khi diễn ra Thế vận hội mùa Hè đầu tiên ở Nam Mỹ. Giám đốc trung tâm tập huấn quốc gia tại Seoul Choi Jong-sam nhấn mạnh rằng quá trình các vận động viên tập luyện trong tháng tới sẽ quyết định cơ hội thành bại của họ trên con đường tiến tới bục vinh quang tại Rio. Ông Choi nhấn mạnh: “Để các vận động viên của Hàn Quốc có thể thi đấu ở cấp độ cao, họ phải được huấn luyện tốt. Điều này sẽ giúp họ thực hiện bước tiếp theo. Nhiều bậc tiền bối trong làng thể thao Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng huấn luyện quan trọng hơn kỹ năng và kỹ thuật do vậy chúng tôi đang cố gắng hướng các vận động viên theo hướng đó”. Hàn Quốc đang nhắm tới mục tiêu giữ một vị trí trong top 10 nước hàng đầu của bảng tổng sắp huy chương tại Olympics Rio sắp tới, và cũng là lần thứ tư liên tiếp trong các kỳ Thế vận hội mùa Hè. Đầu tháng này, hãng phân tích số liệu thể thao của Hà Lan có tên Infostrada Sports dự đoán Hàn Quốc sẽ giành được 12 huy chương vàng tại Rio. Con số này thấp hơn so với 13 chiếc huy chương vàng mà nước này giành được tại Bắc Kinh năm 2008 và bằng mức của họ tại kỳ Thế vận hội ở London cách đây 4 năm. Dự đoán trên của Infostrada có thể thay đổi chút ít trong những tháng tới do kết quả vòng loại trong một số môn thể thao vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, bắn cung chắc chắn sẽ một lần nữa là “mỏ vàng” lớn của Hàn Quốc. Kể từ khi môn bắn cung được đưa vào các cuộc thi đấu hiện đại năm 1972, Hàn Quốc đã giành được 19 huy chương vàng, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Các cung thủ Hàn Quốc đã giành được 3 trong tổng số 4 huy chương vàng tại London, và Infostrada dự đoán rằng Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên giành được toàn bộ 4 chức vô địch đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam và đồng đội nữ tại Rio. Người giành được nhiều vinh quang nhất tại London là Ki Bo-bae với các tấm huy chương vàng đơn nữ và đồng đội nữ. Số lượng các vận động viên tài năng trong môn bắn cung của Hàn Quốc nhiều tới mức chính Ki không lọt vào được đội tuyển quốc gia tranh tài tại Á vận hội năm 2014. Hiện nay, trong môn bắn cung tại Hàn Quốc, người ta vẫn có câu nói đùa rằng vào được đội tuyển quốc gia còn khó hơn giành được huy chương tại Olympics. Tuy nhiên, đến nay Ki đã lấy lại được phong độ của mình và hiện cô đang nỗ lực lập nên một điều chưa từng có trong lịch sử là trở thành nữ cung thủ đầu tiên của Hàn Quốc bảo vệ chiếc huy chương vàng Olympics cá nhân của mình. Vận động viên 27 tuổi này cho biết, hiện cô chưa nhìn tới một tương lai xa như vậy do biết rằng lọt được vào đội tuyển quốc gia là điều không hề dễ dàng gì. Cô nói: “Bốn năm đã trôi qua rất nhanh và Thế vận hội Rio đang đến rất gần. Tuy nhiên, tôi cho rằng còn quá sớm để nói về việc giành huy chương vàng. Trước hết, tôi phải lọt được vào đội tuyển qua các cuộc lựa chọn trong tháng Ba tới”. Về phần mình, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn cung Moon Hyung-chul tỏ ra tự tin hơn nhiều. Phát biểu trước khi bay sang Rio hồi tuần trước để tham gia kỳ tập huấn sớm với đội tuyển quốc gia hiện nay, ông đã nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta luôn là phải giành mọi huy chương vàng. Trước đây, khi chúng ta không đạt được mục tiêu tại các cuộc thi đấu quốc tế, điều đó không phải do chúng ta thiếu kỹ năng. Chúng ta đã không thể thích nghi với khí hậu và các điều kiện khác tại nơi thi đấu. Chúng ta phải phân tích rõ các nguyên nhân và chuẩn bị sẵn sàng cho Olympic”. Không giống Ki và các cung thủ khác, vận động viên Lee Dae-hoon của môn taekwondo nam không phải lo nghĩ về việc làm sao lọt được vào đội tuyển. Anh mặc nhiên có được một chỗ trong đội tuyển nhờ thứ hạng của mình do Liên đoàn Taekwondo Thế giới xếp và cũng là một trong những gương mặt sáng giá mà Infostrada tiên đoán là sẽ giành huy chương vàng. Đấu sỹ 23 tuổi này đã “bỏ túi” gần như mọi danh hiệu mà một vận động viên taekwondo có thể giành được, trừ huy chương vàng Olympics. Thành tích của Lee bao gồm 2 danh hiệu vô địch thế giới, 2 huy chương vàng Á vận hội và 2 danh hiệu vô địch châu Á.
Vận động viên Lee Dae-hoon.
|
Tuy nhiên, trong lần tham gia Olympics đầu tiên 4 năm trước đây, anh chỉ giành được huy chương bạc ở hạng 58kg. Trong kỳ Thế vận hội sắp tới, Lee sẽ thi đấu ở hạng 68kg và hy vọng sẽ có chỗ đứng cao hơn trên bục danh dự. Anh nói: “Tôi không nghĩ rằng tôi đã thi đấu đúng với khả năng của mình tại London... Tôi cảm thấy thất vọng vì không đạt được điều mà tôi đã nỗ lực phấn đấu. Tôi muốn đảm bảo chắc chắn rằng mọi việc lần này sẽ khác”. Lee cho biết anh sẽ thi đấu với nhiều đối thủ “cao hơn và khỏe hơn” trong hạng cân nặng hơn, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi sẽ nghiên cứu và phân tích họ một cách kỹ lưỡng và có những bước chuẩn bị tốt nhất có thể được”. Mặc dù Lee không đạt được kỳ vọng tại London nhưng các vận động viên môn kiếm của Hàn Quốc đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên về thành tích đáng nể của mình tại thủ đô nước Anh với 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, chỉ xếp sau các đối thủ Italy với 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Một vận động viên Hàn Quốc giành huy chương vàng môn kiếm là Kim Ji-yeon cho biết cô đang nung nấu kỳ vọng nhưng không để áp lực phải lặp lại thành tích ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của mình. Cô nói: “Nếu tôi đặt mục tiêu quá cao thì sẽ phải chịu áp lực quá lớn. Ở London, tôi chỉ thi đấu thoải mái mà không đặt nặng vấn đề thắng thua và hy vọng sẽ có được trạng thái tâm lý này tại Rio”. Hiện Kim đang phải chữa trị vùng hông trái bị đau. Cô tâm sự rằng duy trì sức khỏe cũng quan trọng gần như tập luyện kỹ thuật. “So với 4 năm trước, các đối thủ của tôi đã tiến bộ rất nhiều về mặt kỹ thuật và chiến thuật. Tôi đang nghiên cứu kỹ các đoạn băng hình về các cuộc thi đấu của họ để có thể chuẩn bị tốt hơn”, cô chia sẻ. Tấm huy chương vàng khác trong môn kiếm tại London thuộc về đội nam Hàn Quốc, trong đó Gu Bon-gil là thủ lĩnh. Vận động viên 26 tuổi này cho rằng thành tích trên đã làm cho các đối thủ chú ý hơn đến các tay kiếm Hàn Quốc. Anh nói: “Kể từ sau kỳ Olympics Luân Đôn, các nước khác để mắt nhiều hơn đến chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn thi đấu một cách bình thường và chuẩn bị cho Olympics sắp tới bằng cách thi đấu trong các giải Cúp thế giới và Grand Prix”. Trước đây, Gu được xếp hạng số 1 thế giới nhưng nay anh đã rơi xuống vị trí thứ 3. Tại Rio, các võ sỹ judo của Hàn Quốc sẽ cố gắng tạo ra bất ngờ. Trong ba kỳ Olympics trước đây, Hàn Quốc giành được ít nhất 1 huy chương vàng trong mỗi kỳ và 3 vận động viên trong đội tuyển sắp tới sẽ tìm cách cải thiện thành tích này. An Ba-ul đã giành được chức vô địch thế giới đầu tiên vào tháng Tám năm ngoái trong hạng cân 66kg dành cho nam, sau khi đã giành được huy chương vàng tại Đại hội thể thao sinh viên mùa Hè một tháng trước đó. An Ba-ul đã từng giành vị trí quán quân trong giải trẻ năm 2013 và một tấm huy chương vàng Olympics sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho các thành tích thi đấu quốc tế của vận động viên 21 tuổi này. Gwak Dong-han cũng đã giành được huy chương vàng tại cả giải vô địch thế giới và Đại hội thể thao sinh viên mùa Hè năm ngoái tại hạng cân 90kg dành cho nam và leo lên vị trí số 1 trong bảng sắp hạng của Liên đoàn Judo Quốc tế trong hạng cân này. Thành tích thi đấu của vận động viên 23 tuổi này còn có cả chức vô địch châu Á. Anh nói: “Người khác có thể kỳ vọng nhiều vì gần đây tôi thi đấu tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi đã đủ xuất sắc để được xếp vào vị trí số 1 thế giới. Tôi phải nghiên cứu kỹ các đối thủ của mình và tập luyện nhiều để có thành tích tốt tại Olympic”. Trong khi cả An và Gwak đều giành được các danh hiệu thế giới đầu tiên của mình hồi mùa Hè năm ngoái thì An Chang-rim lại chỉ giành được chiếc huy chương đồng tại hạng cân 73kg sau khi để thua đối thủ chính của mình là vận động viên Shohei Ono người Nhật tại vòng bán kết. Ono đã biết rất rõ về An trong những lần đối đầu gần đây và cũng đã từng hạ An tại giải Tokyo Grand Slam vào tháng 12/2014 và tại giải Dusseldorf Grand Prix vào tháng 5/2015. Về phần mình, An đã giành được huy chương vàng tại Đại hội thể thao sinh viên và giải vô địch châu Á trong năm ngoái và vươn lên vị trí số 2 trong bảng xếp hạng thế giới, cao hơn Ono tới 4 bậc. Tuy nhiên, vận động viên này cho rằng vị chí xếp hạng không có ý nghĩa gì nhiều. Anh nói: “Tôi cảm thấy thất vọng khi chỉ giành được huy chương đồng tại giải vô địch thế giới. Rõ ràng Ono sẽ là một đối thủ mạnh. Tôi sẽ cố gắng đạt thành tích cao hơn tại Olympics. Tôi sẽ phải thi đấu tốt hơn và chuẩn bị kỹ lưỡng như thể đây sẽ là kỳ Olympic cuối cùng của tôi”.
Báo Tin Tức