Tiêu tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức bị nhiễm bệnh chết chậm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Theo đó, từ đầu năm đến nay, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh là 35 ha, bệnh chết chậm là 216,5 ha, bệnh tuyến trùng 20 ha, bệnh rệp sáp là 25 ha. Theo đó, bệnh chết chậm có diện tích tăng cao so với năm 2018 (năm 2018 là 115 ha, 9 tháng năm 2019 là 216,5 ha). Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức có diện tích 2 ha trồng tiêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây vườn tiêu của gia đình ông liên tục bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm lan ra khoảng 1 ha. Ông Cường cho biết, thời gian trước tìm cách bỏ chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng để xử lý vườn tiêu tránh tình trạng bệnh lan ra khắp vườn. Nhưng hiện giá hồ tiêu ngày càng thấp, gia đình ông không đủ khả năng tài chính để đầu tư chi phí chữa bệnh cho cây tiêu nữa, ông chăm sóc cầm chừng. Ông Cường chia sẻ thêm, không “nỡ” phá vườn tiêu trồng các cây trồng khác bởi ông gắn bó với loại cây trồng này gần 20 năm. Ông hy vọng thời gian nữa giá hồ tiêu sẽ tăng trở lại. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực tế hiện nay có một số diện tích trồng tiêu không nằm trong vùng quy hoạch (người dân tự chuyển đổi cây trồng từ đất màu sang trồng cây hồ tiêu). Do vậy, các điều kiện canh tác không phù hợp nên cây tiêu sinh trưởng, phát triển kém dẫn đến dịch hại trên cây hồ tiêu gia tăng. Trước tình hình trên, Chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với các địa phương thông báo rộng rãi về tình hình dịch hại để nông dẫn nắm bắt tích cực, điều tra thăm vườn tiêu và phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn tiêu để tránh tình trạng tích lũy và lây lan các loại bệnh ở cây tiêu trên diện rộng. Ông Đức cũng cho biết thêm, thời gian gần đây giá tiêu thấp, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi sang một số diện tích tiêu già cỗi, nhiễm dịch hại nặng, kém phát triển sang các cây trồng khác như: Cà phê, sầu riêng, bơ… Việc chuyển đổi này hợp với quy luật và chủ trương của ngành nông nghiệp là khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng mới hồ tiêu, đối với những diện tích nằm ngoài quy hoạch, sau khi thanh lý vườn già cỗi, nhiễm sâu bệnh nặng, hiệu quả sản xuất thấp, khuyến cáo không trồng lại hồ tiêu, chuyển sang trồng một số cây ăn quả khác như: thanh long, chuối, sầu riêng, bơ… Cùng với đó, việc tập trung đầu tư phát triển bền vững diện tích hồ tiêu, đồng thời áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ theo hướng chất lượng, thân thiện với môi trường, hạn chế dịch hại tấn công trên cây tiêu, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng giá trị lợi nhuận…
Hoàng Nhị