Những năm vừa qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có kết quả này, không thể không ghi nhận những thành quả bước đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội…
Mới đây, tại Hội nghị giao ban hết quý I/2022 về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" (Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Thực tế hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội đã chọn NNCNC, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư với các công nghệ: sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa… Nhờ có thế mạnh về khoa học - công nghệ, nguồn lực tài chính, cơ chế chính sách, Hà Nội đã phát triển mạnh các mô hình sản xuất NNCNC.
Đánh giá về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: “Hà Nội có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở các Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng.
Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, tiêu biểu là mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm), mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng)... Điều này cho thấy, nông dân và doanh nghiệp Hà Nội đã tận dụng, phát huy tốt lợi thế về khoa học - công nghệ, tạo ra các nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp”.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã có những kết quả đáng ghi nhận. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu. Các hợp tác xã nông nghiệp, nhiều trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất, đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố; Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 2 doanh nghiệp), 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thực hiện: Thanh Tuyền, Tư liệu BA DTMN