Năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội. Từ kết quả đạt được, Đan Phượng tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố. Đến thời điểm này, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng đang về đích huyện nông thôn mới nâng cao…
Sau khi trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội, Đan Phượng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ không có điểm dừng. Vì vậy, ngay từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương cũng như thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện vẫn chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Huyện khảo sát nhu cầu thực tế và trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề ra chương trình cụ thể. Nếu như giai đoạn 2011 - 2016, Đan Phượng tập trung nguồn lực hoàn thiện bước đầu hạ tầng nông thôn thì đến giai đoạn 2016 - 2020, huyện chú trọng xây dựng, cải tạo cảnh quan, nâng cao về chất các tiêu chí nông thôn mới gắn với những phong trào như: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, “đường bích họa”, “cải tạo ao môi trường”…
Bên cạnh đó, Đan Phượng còn ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn; tích cực lồng ghép, huy động nguồn xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cụ thể như năm 2019, với mỗi xã về đích nông thôn mới, Đan Phượng thực hiện hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nửa đầu năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đan Phượng vẫn giữ được kinh tế phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất của huyện ước khoảng 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 10,53% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán thành phố giao, là năm thu ngân sách cao nhất so với nhiều năm qua.
Theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Với lộ trình này, huyện tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí để lên quận; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và quy hoạch của thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại; phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống…
Thực hiện: Phan Ngọc, Vũ Sinh, TL TTXVN