Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thành phố hiện có diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 160.000 ha, là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích đất trồng lúa lớn của miền Bắc...
Trong sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, cụ thể là đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng ngon vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn áp dụng đồng bộ kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, bảo đảm an ninh lương thực, là cơ sở vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của thành phố hiện nay mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, chiếm gần 100% diện tích và khâu thu hoạch chiếm trên 85% diện tích; khâu gieo, cấy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn còn thấp, mới đạt trên 3% diện tích. Trong khi lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao gấp 1,5 - 2 lần so với lúc nông nhàn. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất lúa vẫn chưa cao, nhiều nơi nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa, bỏ ruộng hoang để đi làm việc khác đem lại thu nhập cao hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó ưu tiên cơ giới hóa khâu gieo, cấy. Cùng với việc hỗ trợ đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng ngon, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ lúa chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và trực tiếp là chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy cùng với đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sản xuất.
Từ năm 2019 đến năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 22 điểm mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy đạt 1.570 ha/2 vụ. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10 ha/1 điểm mô hình trở lên) tại 7 xã của 4 huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh với quy mô 270 ha, trong đó vụ xuân 140ha và vụ mùa 130ha. Các giống lúa mới tham gia mô hình là TBR225 có gen kháng bạc lá, BC15 có gen kháng đạo ôn, Bắc thơm số 7 có gen bạc lá và Nếp 97.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu, mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy quy mô tập trung thực hiện trong vụ xuân năm 2022 tại Hà Nội cơ bản đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các hộ tham gia mô hình được nhận hỗ trợ và mua đối ứng đủ 100% lượng giống, vật tư, phân bón bảo đảm quy cách, chất lượng và thực hiện gieo cấy, bón phân, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Các giống lúa mới sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể tại điểm mô hình Liên Hà - Đông Anh, áp dụng gieo mạ khay cấy máy trên giống lúa mới TBR225 có gen kháng bạc lá năng suất đạt 74,5 tạ/ha và cho hiệu quả kinh tế trên 29 triệu đồng/ha. Áp dụng gieo cấy thủ công cho năng suất 66 tạ/ha và cho hiệu quả kinh tế gần 16,5 triệu đồng/ha. Như vậy, áp dụng mạ khay cấy máy cho hiệu quả cao hơn so với gieo mạ được cấy tay là trên 12, 5 triệu đồng/ha (các điểm mô hình khác cũng cho kết quả tương tự). Ngoài ra, áp dụng mạ khay cấy máy còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe người sản xuất lúa, giải phóng sức lao động. Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích lúa cấy máy, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung cùng giống, cùng thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.
Tuy nhiên, thời gian qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ từ thành phố xuống cơ sở bị nhiễm COVID-19 gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện cũng như theo dõi, chỉ đạo và hoàn thiện hồ sơ các mô hình. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại liên tục và kéo dài trong nhiều ngày làm một số diện tích mạ, lúa đã gieo cấy bị chết rét, phải gieo cấy lại, tốn thêm công tỉa dặm. Thời kỳ từ làm đòng đến trỗ thường xuyên gặp các đợt không khí lạnh, giai đoạn lúa trỗ bị ảnh hưởng của đợt mưa dông kéo dài, diện rộng từ ngày 21 - 24/5 làm một số diện tích lúa bị ngập, ảnh hưởng đến khả năng phơi màu, thụ phấn, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả mô hình. Đặc biệt là điểm mô hình tại Cát Quế - Hoài Đức. Mặc dù đã được dồn ô đổi thửa song một số địa phương đồng ruộng vẫn còn manh mún, không bằng phẳng, khó điều tiết nước dẫn đến đưa cơ giới hóa khâu gieo cấy gặp khó khăn.
Qua thực tế triển khai có thể thấy hiệu quả từ mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2022 tại Hà Nội là rất lớn cả về mặt kinh tế và xã hội. Vì vậy, để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây truyền gieo mạ khay để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy. Hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay, là điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua máy và tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn, máy tốt; có cơ chế chính sách hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức thực hiện cho các hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian đầu; tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp vay vốn để mua máy, không phải thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện: Thiện Tâm