Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3:

Hà Nam nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm

Hà Nam nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ   

Dự báo thời tiết là một ngành ứng dụng khoa học và công nghệ để dự đoán trạng thái và vị trí của bầu khí quyển trong tương lai gần. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam từng bước hiện đại hóa thiết bị thông tin điện báo, truyền số liệu và mạng thông tin chuyên ngành để khai thác, trao đổi thông tin, số liệu dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam còn theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn trong tỉnh và khu vực; đồng thời, tổ chức thu thập đầy đủ số liệu, phân tích, tính toán và phát các bản tin dự báo, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, lũ lụt, giông, lốc xoáy…; kịp thời xuất bản các bản tin dự báo thời tiết. Hiện các Trạm khí tượng thủy văn đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo quy trình, bảo đảm quan trắc số liệu, kịp thời phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam đã theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình thời tiết tại địa phương. Các bản tin dự báo của Trung ương và sản phẩm dự báo khác để phát hành đầy đủ, chính xác, kịp thời các bản tin về khí tượng thủy văn trong phạm vi tỉnh. Đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường, Đài đã xây dựng, ban hành các bản tin dự báo thời tiết, thủy văn thời hạn ngắn, thời hạn dài và thời hạn mùa. Đối với những bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn gồm bão, lũ, mưa lớn diện rộng, không khí lạnh, nắng nóng… Đài thực hiện phát tin theo đúng quy định.

Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam cho biết: Đài đang thực hiện đầy đủ các chức năng điều tra cơ bản, dự báo thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường không khí và giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực. Để có những thông tin dự báo, cảnh báo chính xác, trên địa bàn tỉnh hiện có một Trạm khí tượng, một Trạm thủy văn, 6 điểm đo mưa tự động. Các trạm thường xuyên theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình nắng, gió, mây, mực nước… gửi về Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam để tổng hợp, phân tích. Các cán bộ của Đài luôn nỗ lực cung cấp thông tin diễn biến thời tiết một cách nhanh nhất cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Cùng với đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam còn phối hợp cung cấp thông tin cho các Sở, ban, ngành và các cơ quan truyền thông của tỉnh đưa bản tin dự báo thời tiết phát sóng hàng ngày, thông tin về tình hình thời tiết 24 giờ, 48 giờ tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh, giúp người dân chủ động phòng, chống thiên tai, yên tâm lao động, sản xuất. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp, mô hình dự báo nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết tại địa phương.

Không ngại khó khăn gắn bó với nghề

Theo chị Nguyễn Thị Mai, quan trắc viên thuộc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam, hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn tại Hà Nam đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng. Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng Thủy văn quy định rõ: “Vườn quan trắc khí tượng bề mặt khoảng cách 100 m từ hàng rào của vườn ra các phía; vườn quan trắc khí tượng trên cao khoảng 50 m từ hàng rào của vườn ra các phía”. Song thực tế tại Hà Nam, vườn quan trắc bề mặt và trên cao tại trạm khí tượng chỉ cách khu dân cư khoảng 20 -30 m. Cùng với đó, mạng lưới đo đạc thưa, chỉ có một trạm đo khí tượng, một trạm đo thủy văn và 6 điểm đo mưa tự động. Điều này gây khó khăn trong việc đo đạc quan trắc khí tượng của Đài.

Mặt khác, tuy công tác tại khu vực đồng bằng nhưng cuộc sống của quan trắc viên nơi đây cũng còn khó khăn bởi lương thấp, nơi ở và làm việc còn tạm bợ. "Cuộc sống vất vả, công việc không chỉ đơn thuần là đo số liệu thô mà còn tổng hợp báo cáo Đài tỉnh và Đài khu vực. Cường độ của công việc theo từng giờ, từng ngày, đặc biệt trong mùa mưa bão, chính vì thế quan trắc viên khi nào cũng tập trung cao độ trong công việc, xử lý chính xác từng con số, vì chỉ một sơ suất nhỏ sẽ gây ra hiệu quả khôn lường", chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Theo Trạm trưởng Trạm thủy văn Phủ Lý Lương Xuân Trường, hiện tại trạm đã có máy tự động ghi mực nước SW 40 (NO 160084), máy đo này cũng đã đáp ứng được việc đo thủy văn, song để đáp ứng việc dự báo thủy văn trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng khó lường, đội ngũ quan trắc viên cần được tập huấn về chuyên môn, tiếp cận và được trang bị những máy móc hiện đại hơn trong thời gian tới.

Nhắc lại những kỷ niệm trong nghề, anh Lương Xuân Trường nhớ lại: Do Trạm quan trắc thủy văn Hà Nam nằm ngay ven bờ sông, năm 2017 do ảnh hưởng của bão lũ, nước đã ngập vào nền nhà tại trạm 20 cm, quan trắc viên vẫn phải ứng trực 24/24 giờ, cập nhật liên tục số liệu đo lưu lượng mưa, lưu lượng nước bất chấp hiểm nguy.  

Để xây dựng Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Giám đốc Đài Hoàng Đức Hùng cho rằng, trước hết Đài thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đài tiếp tục phổ biến các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường, nhất là tập trung phổ biến sâu rộng, thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản dưới Luật. Cùng với đó, Đài chú trọng nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ của Đài nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thắng Trung 

Có thể bạn quan tâm