Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Hà Giang đã đạt được trong công tác đảm bảo an toàn cho học sinh dân tộc nội trú trên địa bàn. Để thực hiện tốt chủ đề “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị: UBND tỉnh Hà Giang cần tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để có nhiều hơn các đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cần tiếp tục tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học.
Đối với các đơn vị trường học, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị Ban giám hiệu, các thầy cô giáo cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc, tạo môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho học sinh dân tộc nội trú.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Lâm Thế Hùng cho biết: Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 13 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú với 4.408 học sinh. Những năm qua, Hà Giang đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, từng bước đáp ứng các điều kiện tốt nhất cho công tác học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học nội trú được đặc biệt quan tâm. Các trường trên địa bàn toàn tỉnh đều đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ tài chính cho học sinh theo quy định. Chỉ tính riêng trong năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 4.408 học sinh được thụ hưởng với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép chọn lọc những kiến thức về đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống, kiến thức về giới, sức khỏe sinh sản cho đoàn viên, thanh niên ở các môn học trong chương trình phổ thông hiện hành; thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nội trú…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí theo dự kiến phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 để tỉnh hoàn thiện xây dựng cơ sở trường, lớp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và các trường dự bị Đại học dân tộc do không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Cần có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh bậc tiểu học có hộ khẩu ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ người phục vụ bữa trưa tại các trường, điểm trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn…
Trước đó, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cùng đoàn công tác đã đi khảo sát các điều kiện dạy và học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc và trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang.
Minh Tâm