Sản phẩm Cao Atiso và Trà gừng Cao nguyên đá của HTX Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: baohagiang.vn |
Đây được coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; trong đó, chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi chính là ưu điểm nổi bật mà sản phẩm OCOP Hà Giang đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết: năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó có 86 bộ hồ sơ của 6 ngành sản phẩm đủ điều kiện đề nghị phân hạng sản phẩm.
Qua đánh giá phân loại có 69 sản phẩm của 43 chủ thể được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 với số điểm từ 50 điểm trở lên, bao gồm 21 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 48 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Tiêu biểu như sản phẩm bạch trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì); lạp sườn và thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao của Hợp tác xã Hải Khang (huyện Bắc Quang); mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trường Anh (huyện Đồng Văn); rượu ngô Chí Sán của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (huyện Mèo Vạc); chè chất lượng cao Minh Quang của Hợp tác xã Minh Quang (huyện Quang Bình); tinh bột nghệ vàng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Ngọc Sơn (huyện Bắc Mê).
Đặc biệt, có 2 sản phẩm được Hội đồng chấm đạt từ 90 điểm trở lên là trà xanh và hồng trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, đánh giá xếp hạng cấp Quốc gia.
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh đổi mới, sáng tạo, từng bước nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo các quy định, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương; xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nhằm hiện thực đề án mỗi xã một sản phẩm hiệu quả, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là tỉnh có nhiều sản phẩm lợi thế, nhưng khó khăn hiện nay là tình trạng hàng hóa giả, kém chất lượng trà trộn đang làm mất đi thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Vì vậy triển khai chương trình OCOP sẽ tạo ra những bước đi vững chắc, lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm có thể mạnh.
Năm 2020 và những năm tiếp theo, Hà Giang sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại và khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường rà soát, xây dựng, công bố, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn, tên thương mại của các sản phẩm, từ đó khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu các sản phẩm OCOP của Hà Giang đến với thị trường trong và ngoài nước.
Minh Tâm
TTXVN