Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 14/1, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã khảo sát và làm việc với lãnh đạo huyện Trần Văn Thời về việc thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn.
Hiện nay, huyện Trần Văn Thời đang triển khai thực hiện các mô hình 2 vụ lúa - cá đồng; mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu; mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” của Tập đoàn Lộc Trời; mô hình 2 vụ lúa - cá bổi thâm canh. Thời gian qua, các mô hình này được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vùng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất lúa "bao lợi nhuận" đã được triển khai 2 vụ. Vụ Hè Thu thực hiện trên tổng diện tích 39 ha, với 17 hộ tham gia. Kết quả cho thấy, 100% hộ dân tham gia mô hình đạt lợi nhuận tối thiểu 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân còn được chi trả tiền công, thù lao khi trực tiếp lao động, sản xuất trên ruộng của mình. Đối với vụ lúa Đông Xuân, có 12 hộ tham gia, với 24,8 ha tại xã Khánh Bình Đông. Hiện nay, lúa đã thu hoạch xong, năng suất bình quân từ 6,2 - 6,3 tấn/ha.
Đối với mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu, những năm qua được người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông và ấp 4, 5, xã Trần Hợi thực hiện với diện tích hàng năm 240 ha. Đây là khu vực đã có khoanh ô thuỷ lợi, trạm bơm nên chủ động trong việc xuống giống lúa Đông Xuân trước ngày 15/10 và thu hoạch trong tháng 1 năm sau. Với mô hình này, vụ màu cho năng suất khá cao, ổn định, khi thu hoạch có thương lái từ thành phố Cần Thơ đến thu mua, lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm cả lúa và màu.
Ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời đánh giá, các mô hình phù hợp cho khu vực đồng trũng sinh thái ngọt của huyện, góp phần tăng thêm thu nhập từ cá đồng tương đương 1 vụ lúa, nhưng phải có bờ bao khuôn hộ, bờ bao xung quanh vùng cao ráo, chắc chắn.
Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời đã thực hiện nhân rộng mô hình 2 vụ lúa – cá đồng với quy mô 120 ha, tại ấp Đá Bạc A; nhân rộng mô hình 2 vụ lúa – 1 vụ màu ở ấp 12A, xã Khánh Bình Đông, với gần 260ha; khuyến khích người dân nuôi cá bổi thâm canh tận dụng nước thải từ việc thay nước cá bổi để bón cho lúa nhằm giảm chi phí bón phân hóa học, với trên 200 hộ tham gia thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời và các đơn vị liên quan triển khai mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” vụ lúa Hè Thu năm 2022, dự kiến quy mô 1.000 ha tại các xã Khánh Bình Đông, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Hưng.
Để các mô hình phát huy tối đa hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời tổ chức khảo sát, đánh giá, tìm kiếm ký kết hợp đồng đầu ra và hướng đi trong việc chế biến các sản phẩm tại chỗ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm hỗ trợ huyện Trần Văn Thời trong việc lồng ghép nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn; phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức sơ kết đánh giá mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” vụ lúa Đông Xuân, giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc, thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ cho người dân tiếp cận mô hình.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đề nghị lãnh đạo huyện Trần Văn Thời tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả ổn định, tạo vùng nguyên liệu tập trung, liên kết tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của nông dân trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu lãnh đạo huyện Trần Văn Thời tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động quan tâm, theo dõi sát tình hình sản xuất của nông dân, tuyên truyền hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật và tạo mọi điều kiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
“Huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất cụ thể theo từng vùng với tiềm năng và điều kiện thích hợp, đầu tư hạ tầng đảm bảo với từng loại hình sản xuất, tổ chức lại sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn không để người dân và doanh nghiệp tự bơi mà phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, có sự trăn trở cùng người dân thì mới có giải pháp thiết thực", Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại lưu ý.
Đặc biệt, địa phương tính toán, rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đa dạng các mô hình, phát huy thế mạnh của vùng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của người dân trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huỳnh Anh