Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng

Nhằm đánh giá đúng thực trạng phát triển, qua đó tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện hữu, hướng đến xác định trọng điểm trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư hiệu quả trong thời gian tới tại khu vực Đầm Thị Tường, ngày 14/2, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã kiểm tra, khảo sát các hạng mục công trình, dự án đã đầu tư, dự kiến đầu tư; quản lý, khai thác du lịch; tình hình quản lý sử dụng đất, sử dụng mặt nước, nhà ở; công tác quản lý quy hoạch khu vực Đầm Thị Tường.

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng ảnh 1Khu vực Đầm Thị Tường có tổng diện tích mặt nước 709,86 ha, nằm trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Đầm Thị Tường là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc không gian du lịch phía Tây của tỉnh, cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km, giao thông đường bộ đến đầm tương đối thuận lợi. Khu vực Đầm Thị Tường có tổng diện tích mặt nước 709,86 ha nằm trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước.

Đầm Thị Tường có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt, bởi đầm không chỉ có diện tích mặt nước nằm sâu trong đất liền lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi cư trú, sinh sản và phát triển của nhiều giống loài thủy hải sản nước lợ có giá trị kinh tế mà còn gắn liền với di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước với các tập quán, văn hóa của người dân mang đậm đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ.

Do đó, Đầm Thị Tường được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, ẩm thực với nhiều sản phẩm du lịch. Hiện, Đầm Thị Tường được quy hoạch là địa điểm phát triển du lịch của tỉnh, đã được tích hợp vào phương án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng ảnh 2Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (phải) thị sát các hạng mục công trình, dự án đầu tư, quản lý sử dụng đất và mặt nước cũng như công tác quy hoạch khu vực Đầm Thị Tường. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Tuy nhiên, các hoạt động phục vụ du lịch tại khu vực đầm còn nhỏ lẻ, chủ yếu là tự phát, tập trung tại bờ phía Nam của đầm. Hiện, khu vực chỉ có hộ Ba Hùng và Hợp tác xã du lịch Đầm Thị Tường hoạt động phục vụ khách du lịch bằng phương tiện phà, vỏ máy chạy tham quan đầm và phục vụ ăn uống trên các nhà sàn tạm bằng cây lá địa phương.

Dù các hoạt động này nhìn chung đều tự phát, chưa có công ty du lịch, lữ hành khai thác tour du lịch với điểm đến là Đầm Thị Tường, nhưng theo ước tính, lượng khách đến tham quan đầm thời gian qua bình quân khoảng 10.000 người/năm.

Thực trạng khó khăn khác nữa là trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản đã giảm rất nhiều do người dân khai thác quá mức cộng với việc cửa sông Mỹ Bình bị bồi lắng nên các loại thủy sản không thể vào đây sinh sản, phát triển.... Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy kết nối với Đầm Thị Tường vẫn chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, tương xứng với tiềm năng hiện hữu.

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng ảnh 3Đầm Thị Tường có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt, được coi là "biển hồ" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân thông tin, những năm qua, các hạng mục công trình, dự án đã đầu tư tại khu vực Đầm Thị Tường chủ yếu là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh chưa có dự án dự kiến tiếp tục đầu tư tại khu vực Đầm Thị Tường…

“Đầm Thị Tường được xác định là một trong các dự án trọng điểm phát triển du lịch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực quan tâm, muốn thực hiện dự án đầu tư tại đây, tuy nhiên đến nay chưa đủ điều kiện mời gọi đầu tư do khu vực Đầm Thị Tường đang trong giai đoạn thực hiện các bước lập quy hoạch. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch tại khu vực Đầm Thị Tường theo quy định là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện mời gọi, triển khai các dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết, Sở được giao nhiệm vụ lập Đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường. Theo đó, nhiệm vụ và dự toán quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 với tổng diện tích lập quy hoạch là 1.495ha. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc do Sở Xây dựng chưa mời được nhà đầu tư tham gia hoạch định ý tưởng quy hoạch hoặc tài trợ lập quy hoạch. Vì vậy, ngày 14/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp nghe Sở Xây dựng báo cáo tình hình triển khai lập quy hoạch. Sau cuộc họp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có Thông báo số 386/TB-VP ngày 18/11/2022 về ý kiến kết luận của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung một số nội dung.

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng ảnh 4Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (thứ hai, phải, hàng trước) kiểm tra đồ án quy hoạch chung khu vực Đầm Thị Tường. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Kết thúc chuyến khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các địa phương khắc phục ngay tình trạng người dân cất nhà, cất chòi lấn chiếm vào các khu vực Đầm Thị Tường đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tính toán, căn cứ vào hiện trạng thực tế của Đầm Thị Tường để triển khai lập quy hoạch.

“Công tác này cần đảm bảo chặt chẽ, sát với tình hình thực tế, đưa vào tích hợp quy hoạch của tỉnh để định hướng mời gọi đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện cho người dân xung quanh khu vực Đầm Thị Tường cùng làm du lịch. Qua đó, nhằm phát huy tiềm năng du lịch đặc của khu vực Đầm Thị Tường, kết hợp phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Gỡ khó để “biển hồ” lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng ảnh 5Những năm gần đây, do người dân khai thác quá mức cộng với việc cửa sông Mỹ Bình bị bồi lắng nên nguồn lợi thủy sản trên khu vực Đầm Thị Tường bị suy giảm nhiều. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Ông Hải cũng cho rằng, song song đó cần có định hướng kết nối các tuyến giao thông, tuyến trục chính vào khu vực Đầm Thị Tường để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan du lịch được thuận tiện, dễ dàng. Đồng thời, các ngành, đơn vị cần có phương án nghiên cứu việc nạo vét, điều tiết nước kết hợp xử lý rác thải (phù hợp với điều kiện thủy triều) tại cửa sông Mỹ Bình để bảo vệ khu vực Đầm Thị Tường…

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm