Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, cùng bảo vệ môi trường ở huyện Lộc Ninh

Đoàn viên thanh niên xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc cho người dân. Ảnh: bptv.vn
Đoàn viên thanh niên xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc cho người dân. Ảnh: bptv.vn

Nhiều hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) thường có thói quen nuôi nhốt gia súc cạnh nhà hoặc trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của chính người dân xung quanh.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, cùng bảo vệ môi trường ở huyện Lộc Ninh ảnh 1Đoàn viên thanh niên xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc cho người dân. Ảnh: bptv.vn

Từ thực tế trên, cuối năm 2021, Huyện ủy Lộc Ninh đã có chủ trương hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư để tránh ô nhiễm. Theo đó, 14/16 xã, thị trấn đã thành lập các tổ di dời gia súc nhằm tập trung tuyên truyền, động viện, khuyến khích bà con tham gia di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Bà Thị Chiến ở ấp 54, xã Lộc An nuôi bò từ năm 2018. Gần 4 năm, đàn bò của gia đình bà thường cột sát căn nhà như hàng trăm hộ chăn nuôi khác ở trong xã. Cuối năm 2011, sau khi được chính quyền, các đoàn thể địa phương tuyên truyền di dời gia súc theo chủ trương của huyện, bà rất đồng tình và vui vẻ thực hiện. Hiện đàn bò gia đình bà có 10 con và đã di dời xa nhà theo đúng chủ trương của huyện. Bà Thị Chiến cho biết: Trước đây, gia đình bà hay cột hoặc làm chuồng gia súc cạnh nhà vì lo sợ bị mất trộm. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, bà đã di dời chuồng ra xa hơn. Đến nay, việc nuôi nhốt xa nhà đã đảm bảo môi trường và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

Cách đây vài tháng, gia đình bà Thị Gia ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây mới nền chuồng tại vườn điều. Để chăm sóc tốt cho đàn trâu, gia đình bà còn làm thêm căn chòi tạm để canh giữ. Dù việc chăm sóc đàn trâu tốn thêm nhiều công sức nhưng từ khi có chuồng mới, bà cảm thấy yên tâm vì không làm phiền đến hàng xóm. Bà Thị Gia chia sẻ: Bà nuôi trâu đã hơn 20 năm. Nuôi gần nhà mùi phân trâu làm ảnh hưởng hàng xóm, nhất là vào mùa mưa. Mới đây, chính quyền các cấp vận động gia đình làm chuồng ở trong vườn để tránh ô nhiễm môi trường xung quanh.

Dù có nhiều diện tích đất canh tác cây cao su, điều nhưng ông Lâm Ngheo ở xã Lộc Khánh vẫn làm chuồng bò sát cạnh nhà. Được địa phương vận động, ông quyết định chặt hơn chục cây cao su lấy đất làm nền chuồng. Chuồng bò của ông Lâm Ngheo đã được cất sâu trong vườn cao su, nên đã hạn chế mùi hôi thối. Nhờ vậy, hiện nay không khí quanh nhà ông trở lại trong lành, sân nhà sạch sẽ và khô thoáng.

Ở các xã: Lộc Thạnh, Lộc Tấn, Lộc Khánh và Lộc Thành, người dân sống tập trung. Do vậy, chính quyền địa phương đã có phương án xây dựng khu chuồng trại tập trung. Ông Điểu Nhữ là một trong số hộ ở ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành thuộc diện không có đất vườn để di dời đàn bò ra xa nhà. Việc di dời đàn bò vào chuồng trại tập trung đã giúp ông và gia đình tránh được ô nhiễm từ mùi chất thải gia súc. Ông Điểu Nhữ phấn khởi cho biết, từ khi chuyển vào chuồng tập trung, nhà cửa sạch sẻ, không còn mùi hôi thối như trước. Trâu, bò cũng không sợ mất trộm vì mỗi tối có 5 đến 6 người thay ca trông coi.

Ông Nguyễn Cao Thanh Sang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thành cho biết: Chủ trương của Huyện ủy Lộc Ninh về di dời chuồng trại gia súc ra xa khu dân cư là phù hợp. Xã đã thành lập 2 tổ gồm: một tổ tuyên truyền, vận động và một tổ tổ chức di dời. Trong quá trình thực hiện, nhiều người dân đã ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, một số ấp có hộ đồng bào thiểu số sinh sống vẫn nuôi nhốt gần nhà do không có đất để di dời chuồng. Từ thực tế đó, xã đã dành quỹ đất công khoảng hơn 0,7ha để xây dựng chuồng trại tập trung cho bà con.

Trước đó, toàn huyện Lộc Ninh có 910 chuồng, điểm buộc gia súc nuôi nhốt trong khu dân cư gây ô nhiễm với hơn 4.700 con. Từ khi thực hiện chủ trương di dời chuồng gia súc ra khỏi khu dân cư, toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã, ấp, sóc tham gia rất tích cực. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân đồng tình thực hiện. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: Thực hiện xong việc di dời, hiện nay trong ấp không còn gia súc, vấn đề ô nhiễm môi trường gần như không còn. Những điểm ô nhiễm trước đây, Hội giao cho Hội nông dân xã trồng cây xanh để tạo cảnh quan. Trước đây, gia súc cột gần nhà ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước. Hiện toàn bộ khu chuồng trại trước đây được cải tảo để trồng cây, trồng rau, trồng hoa hoặc khu vui chơi để người dân không tổ chức cột trâu bò lại vị trí cũ.

Từ tháng 8 - 11/2021, huyện Lộc Ninh đã hoàn thành việc di dời 100% số hộ theo kế hoạch. Đây là thành công lớn của huyện biên giới trong việc thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư. Chủ trương này đã giúp mọi người ý thức hơn về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương vùng biên.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm