Giữ rừng tăng thêm nguồn thu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước vẫn từng ngày thay ca nhau để tuần tra bảo vệ rừng. Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, người dân không còn phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng, mà ngược lại có nguồn thu nhập thêm từ nhận khoán bảo vệ rừng.

Thêm thu nhập

Hiện nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập giao khoán 11 cộng đồng thuộc các xã vùng đệm của vườn; trong đó, 6 cộng đồng thuộc xã Bù Gia Mập, 3 thuộc xã Đắk Ơ và 2 cộng đồng thuộc xã Quảng Trực của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; cùng với 5 đơn vị lực lượng vũ trang và 1 phần diện tích Ban quản lý Vườn tự bố trí lực lượng quản lý bảo vệ. Trong tổng diện tích gần 26.000 ha rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, 11 cộng đồng nhận giao khoán hơn 20.000 ha với 694 hộ tham gia bảo vệ rừng.

Trên địa bàn xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng chủ yếu là người dân tộc S’tiêng, M’nông. Trước đây, cộng đồng này sinh sống và có truyền thống gắn kết lâu đời với núi rừng Bù Gia Mập. Trong quá khứ, các dân tộc này sống chủ yếu ven những cánh rừng nguyên sinh, cuộc sống dựa vào hoạt động săn bắt, hái lượm và làm nương rẫy. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều hộ dân tộc thiểu số chuyển sang nhận khoán bảo vệ rừng, mang lại thu nhập thêm cho gia đình.

Gia đình anh Điểu Gát ở thôn Bù Lư (xã Bù Gia Mập) trước đây nằm trong diện hộ khó khăn của địa phương. Diện tích vườn rẫy ít, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống gia đình anh Gát vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập hơn 10 năm, anh Điểu Gát đã có thêm nguồn thu nhập thường xuyên.

Công việc của anh Gát chủ yếu đi tuần tra bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Anh Điểu Gát chia sẻ, trước đây, khi chưa tham gia tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình còn nhiều khó khăn. Nguồn thu từ trồng cây điều bấp bênh không đủ chi tiêu. Sau khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình có thêm nguồn thu nên rất mừng. Ngoài đi tuần tra bảo vệ rừng, thời gian còn lại anh Gát vẫn làm việc nhà và đi làm thuê thêm.

Ông Điểu Ma Giang ở thôn 3 (xã Đắk Ơ) đã có "thâm niên" gắn bó với công việc bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập hơn 16 năm. Hiện nay ông Giang đang là tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc tổ cộng đồng thôn 3 xã Đắk Ơ. Cộng đồng thôn 3 nhận khoán có 93 người, bảo vệ 2.700 ha rừng. Ông Điểu Ma Giang cho biết, trước đây, cộng đồng dân tộc sinh sống gần rừng, chủ yếu dựa vào rừng mưu sinh để làm nương rẫy, sắn bắt, hái lượm; giờ ham gia giữ rừng vừa có nguồn thu nhập và không để phá rừng nữa.

Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã nhận thức việc cần thiết bảo vệ rừng và có nguồn thu nhập thêm. Thời gian tuần tra bảo vệ rừng, mỗi người chia nhau theo lượt đi. Mỗi lần đi tính theo công, mỗi công 200.000 đồng/ngày. Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đều luôn phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ rừng. Những người đi nhiều sẽ có nguồn thu nhiều, ông Giang chia sẻ.

Thay đổi nhận thức

Thời gian qua, ngoài lực lượng của các đơn vị chủ rừng, còn có cộng đồng nhận khoán thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Họ luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng. Những năm gần đây, người dân sống gần rừng đã tích cực tham gia bảo vệ không để phá rừng, đốt rừng.

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho hay, trên địa bàn xã có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số đã tham gia tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài việc khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, địa phương luôn tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại đến rừng, nhất là trong mùa nắng nóng có nguy cơ cháy rất cao.

Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: Mỗi cộng đồng sẽ thành lập những chốt trong rừng để cùng với lực lượng kiểm lâm đi tuần tra. Các cộng đồng sẽ phân chia thành các tổ, mỗi tổ 5-6 người. Một đợt đi tuần tra rừng khoảng 15-20 người cùng với phối hợp kiểm lâm viên. Cộng đồng hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi trực ăn ở tại chỗ tại các chốt. Các chốt cộng đồng cách trạm kiểm lâm khoảng 500 m đến 1 km để thuận tiện liên lạc với nhau.

Theo đánh giá của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, thời gian qua hiệu quả cộng đồng nhận khoán đã hỗ trợ tốt cho bảo vệ rừng. Hiện lực lượng kiểm lâm Vườn rất mỏng so với diện tích gần 26.000 ha rừng. Vì vậy, lực lượng cộng đồng nhận khoán đã góp phần thực hiện hiệu quả cho bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng.

"Vườn cũng thường xuyên nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện tốt việc giao khoán, khắc phục những khó khăn tồn tại của các đơn vị cộng đồng nhận khoán để đạt kết quả cao; đảm bảo hệ sinh thái rừng nguyên vẹn, tính đa dạng sinh học cao", ông Hòa cho biết thêm.

Còn tại huyện Bù Đăng, khoán bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng và Ban quản lý rừng đặc dụng Vườn quốc gia Cát Tiên theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững có tổng có 8 cộng đồng với 128 hộ nhận khoán với diện tích nhận khoán hơn 3.732 ha, số tiền nhận khoán là hơn 5 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng Nguyễn Minh Hóa, khoán bảo vệ rừng đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời phát huy được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

“Khoán bảo vệ rừng tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Thực hiện chủ trương giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. bước đầu xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, góp phần quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng.

Việc đưa diện tích rừng tự nhiên vào giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đã giải quyết phần nào cuộc sống khó khăn cho người dân gần rừng; tinh thần trách nhiệm ngày càng được nâng cao; tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân vùng rừng với chủ rừng và chính quyền địa phương, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa bên nhận khoán bảo vệ rừng và chủ rừng ngày tốt hơn”, ông Nguyễn Minh Hóa cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, quản lý và phát triển bền vững kinh tế sinh thái rừng không chỉ bao gồm bền vững về sinh thái rừng và bền vững về phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn bao gồm bền vững về đời sống.

Như vậy, quản lý và phát triển lâm nghiệp bên vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay là sử dụng có hiệu quả đất đai được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, đảm bảo tính bền vững, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững rừng tự nhiên và rừng trồng; quản lý bền vững các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn kết chặt chẽ bảo vệ và phát triển rừng.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm