Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận

Trong khi nhiều cánh rừng tại Bình Thuận đã bị tàn phá chỉ còn sơ sài những cây gỗ dại thì tại những cánh rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) quản lý vẫn giữ được màu xanh ngút ngàn với những chủng loại gỗ quý hiếm luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Có thể nói, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét đã đi đầu trong công tác giữ rừng, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng đối với công tác bảo vệ rừng.

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận  ảnh 1Rừng dầu quý hiếm nằm trong khu vực rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét luôn xanh tốt. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét được giao nhiệm vụ quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích trên 20.700 ha. Diện tích rừng trải dài trên địa bàn 4 xã gồm: Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh và Tân Lập thuộc huyện Hàm Thuận Nam với đông đồng bào dân tộc sinh sống. Với diện tích rừng lớn trong khi lực lượng bảo vệ mỏng nên việc giữ rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực trong công tác bảo vệ nên những cánh rừng tại đây luôn xanh tốt.

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận  ảnh 2 Đây là cánh rừng được đánh giá như rừng nguyên sinh và ít bị tác động nhất. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Trinh, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét cho biết, Ban chỉ có khoảng 40 người lam công tác bảo vệ rừng, trong khi diện tích rừng rộng lớn cùng với địa hình phức tạp, nên công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Để thuận lợi, Ban đã thành lập các Trạm bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm, được bố trí từ 5-6 người/trạm. Do đặc thù công việc nên lực lượng bảo vệ rừng có thời gian sinh hoạt và làm việc tại trạm 24/24h. Hàng ngày, Trạm thường phân công 1 người trực trạm và lo phục vụ cơm nước cho anh em đi tuần tra bảo vệ rừng.

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận  ảnh 3Nhờ nỗ lực trong công tác bảo vệ, quản lý nên rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét luôn xanh tốt. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét thực hiện tốt công việc tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng trong lâm phận được giao và kết hợp với lực lượng Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân các xã và đơn vị giáp ranh tổ chức tuần tra, thực hiện các đợt truy quét tại các điểm nóng phá rừng như Tân Lập, Hàm Cần, Mỹ Thạnh, đôn đốc nhắc nhở các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng.

Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động các chốt bảo vệ rừng LaZôn thuộc Trạm Đèo Nam, chốt bảo vệ rừng Bãi Năm Đàm, chốt bờ kênh Hàm Cần của các hộ nhận khoán thuộc Trạm Cầu Treo nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng; chốt bảo vệ rừng Sông Phan thuộc Trạm bảo vệ rừng Tà Mon, chốt Dốc Bò thuộc Trạm Suối Vận hoạt động hiệu quả đã hạn chế tối đa việc lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác gỗ trái phép trên lâm phận quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Trinh, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét, nhờ quyết tâm của các nhân viên bảo vệ rừng tại các Trạm trong việc kiên quyết xử lý các trường hợp chặt phá cây rừng, xâm lấn, chiếm đất rừng làm rẫy; tiến hành phá bỏ cây trồng xuống giống trái phép trên lâm phận quản lý theo trình tự quy định… nên tình trạng phá rừng đã được kéo giảm trong thời gian qua.

Cụ thể, nếu như năm 2010 xảy ra 109 vụ vi phạm bảo vệ rừng thì năm 2020 tổng số vụ đã phát hiện, xử lý có 26 vụ. Vụ việc vi phạm chủ yếu khai thác gỗ trái phép và không xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Tại các cánh rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét quản lý thì ngoài những cây rừng đặc thù như: căm xe, bằng lăng, giáng hương, gõ đỏ, sao, sến… rừng Sông Móng – Ca Pét còn có những dải rừng lim xanh quý giá với hơn 100 năm tuổi. Đây là cánh rừng được đánh giá còn nguyên vẹn như rừng nguyên sinh và ít bị tác động nhất.

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận  ảnh 4 Những cây lim xanh hàng trăm năm tuổi với đường kính lên đến gần 2m. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo thống kê, hiện nay tại đây còn khoảng hơn 1.000 cây lim xanh quý giá, có những cây đường kính lên đến 2m. Cây lim xanh thuộc nhóm gỗ IIA quý hiếm và nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam nên luôn được Ban Quản lý phân công bảo vệ nghiêm ngặt.

Một trong những phương án triển khai bảo vệ rừng hiệu quả là việc giao khoán bảo vệ rừng đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây. Hiện tại, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét đang thực hiện giao khoán cho đồng bào dân tộc thuộc 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh với tổng diện tích hơn 8.000 ha.

Việc giao khoán bảo vệ rừng đã giải quyết việc làm cho 199 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào có thu nhập thông qua hoạt động giữ rừng; các hộ nhận khoán bảo vệ rừng là cơ sở để đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho hộ nhận khoán tăng thêm ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Giữ màu xanh cho rừng ở Bình Thuận  ảnh 5Lực lượng bảo vệ rừng Ca Pét trao đổi trong lúc tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng bảo vệ rừng và hộ nhận khoán. Khi rừng bị tác động thì kịp thời phát hiện và xử lý, góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng trong khu vực giao nhận khoán, quản lý.

Để tăng cường việc bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét nói riêng và rừng toàn tỉnh Bình Thuận nói chung, từ tháng 2/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã cho triển khai dự án "Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận". Theo đó, sẽ sử dụng hệ thống phần mềm tự động giải đoán ảnh vệ tinh Sentinel 2 mới nhất để phát hiện các điểm mất rừng. Đây là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác bảo vệ rừng hiện nay.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, kinh phí và con người nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét luôn tìm mọi giải pháp khắc phục để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Với tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, những nhân viên nơi đây đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn để ngày đêm tuần tra, bảo vệ và giữ mãi những màu xanh cho rừng.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm