"Gieo chữ" ở vùng biên Nghệ An

Bám sát địa bàn, chia sẻ khó khăn với người dân địa phương, nhiều cán bộ, chiến sỹ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Quân khu IV cùng giáo viên ở các trường học đã và đang đồng hành với các lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ ở vùng biên Nghệ An. Bằng tình cảm, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, họ đã góp phần “gieo chữ”, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703343.jpg
Trao quà cho 26 học viên lớp xóa mù, chống tái mù ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

“Gieo chữ” nơi vùng biên

Từ tờ mờ sáng, người dân bản Lam Hợp (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) đã náo nức rủ nhau đến Nhà văn hóa bản tham dự lễ khai giảng lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ trên địa bàn. Trên khuôn mặt ai cũng nở nụ cười hân hoan.

Quyết định tham gia lớp học vào đúng ngày khai giảng, cũng là thành viên cuối cùng trong danh sách lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ lần này, chị Quang Thị Hóa (42 tuổi, ở bản Lam Hợp) không giấu nổi sự xúc động bởi sắp tới sẽ biết đọc, biết viết, biết tính toán những phép tính đơn giản để phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hóa và biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703342.jpg
Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 dạy chữ cho người dân vùng biên Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chị Hóa vui vẻ chia sẻ: “Trước đây do đời sống khó khăn, đường sá xa xôi nên tôi không có điều kiện để đi học biết cái chữ. Tôi không biết đọc, biết viết, cả tiếng Kinh cũng không biết. Giờ đây, được sự động viên của chồng con, tôi muốn tham gia lớp học này không chỉ phục vụ việc mua bán mà còn có thêm kiến thức để tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào lao động sản xuất hằng ngày. Vì vậy, tôi sẽ sắp xếp công việc gia đình phù hợp để tham gia lớp học đầy đủ”.

Tri Lễ là một xã nghèo thuộc vùng cao biên giới khó khăn của huyện Quế Phong với các dân tộc Thái, Khơ Mú và Mông sinh sống. Nơi đây tỷ lệ đói nghèo còn cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, số người tái mù chữ còn nhiều. Để thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, người dân cần có kiến thức, trình độ, biết đọc biết viết, biết làm theo, biết tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, để mở lớp học này, cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương đã đến từng nhà vận động mọi người tham gia lớp học. Nhờ đó, lớp học đã có 26 học viên tham gia, độ tuổi từ 30 - 60 tuổi.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703339.jpg
Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 dạy chữ cho người dân vùng biên Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Giảng dạy trực tiếp cho lớp học xóa mù, chống tái mù là đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện, thạo tiếng Thái, được đào tạo bài bản từ các trường đại học và có nghiệp vụ sư phạm. Đa số học viên đều là lao động chính trong gia đình, ban ngày phải tham gia lao động sản xuất. Do vậy, Ban tổ chức lớp học đã bố trí thời gian học từ 19 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Mục tiêu là dạy cho mọi người biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hóa và giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Từng tham gia nhiều lớp xóa mù chữ, chống tái mù, giáo viên, tình nguyện viên Nguyễn Hữu Sáng cho biết, trong dạy học, các tình nguyện viên luôn bám sát nội dung, chương trình của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, lồng ghép các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như đời sống xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Qua đó, góp phần giảm nghèo, tăng năng suất lao động và từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân. Nhìn thấy các chị, các mẹ biết đọc, biết viết ngày càng nhiều, anh thật rất vui và hạnh phúc. Các tình nguyện viên luôn tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để mang đến con chữ cho người dân nơi đây.

Theo kế hoạch, lớp học sẽ duy trì từ nay đến hết tháng 5/2025 với chương trình xóa mù chữ tương đương trình độ lớp 1 đến lớp 5.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703338.jpg
Dạy chữ cho người dân tộc vùng biên. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nỗ lực đẩy lùi nạn mù chữ

Nghệ An là địa phương có người dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 36,3% dân số toàn tỉnh. Điều kiện kinh tế và đời sống khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ý thức học tập của người dân. Học viên tham gia các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ cơ bản là phụ nữ, người lớn tuổi, trụ cột gia đình. Vì vậy, sau khi biết chữ không có môi trường, điều kiện để thực hành nên có nguy cơ mù chữ trở lại. Các điều kiện về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dù đã được quan tâm, bổ sung song vẫn gặp nhiều khó khăn.

Với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội, Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay, nỗ lực đẩy lùi nạn mù chữ cho người dân. Công tác xóa mù chữ được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn; đồng thời, có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội địa phương. Người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được chọn lựa từ những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.

Thượng tá Nguyễn Như Hồng, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 cho biết: Việc mở lớp học xóa mù chữ, chống tái mù tại xã Tri Lễ là kết quả của Chương trình phối hợp giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4. Cùng với huyện Quế Phong, trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương cũng đang có nhiều lớp học xóa mù chữ, chống tái mù được tổ chức nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các bản vùng cao biên giới.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703337.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Quân khu IV) dạy chữ cho người dân vùng biên Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Từ năm 2017 đến nay, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đã phối hợp với ngành Giáo dục và cấp ủy, chính quyền các địa phương mở gần 20 lớp học xóa mù chữ, chống tái mù và phổ biến thức khoa học kỹ thuật cho nhân dân giúp trên 500 người dân thoát nạn mù chữ, tiếp thu được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống. Cùng với đó, vận động hàng trăm học sinh bỏ học trở lại trường; phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổ chức các hoạt động tăng cường dạy tiếng phổ thông cho trẻ, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương…

“Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 luôn đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học; duy trì lớp học theo hướng cần gì học đó, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao hiểu biết về mọi mặt của nhân dân. Ngoài hỗ trợ toàn bộ sách vở để học tập, các trí thức trẻ tình nguyện là giáo viên sẵn sàng hỗ trợ học viên công việc của gia đình và hướng dẫn học thêm tại nhà, tạo sự gần gũi giữa giáo viên và học viên. Bên cạnh đó, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 còn cấp trâu, bò, gà, lợn cho các học viên hộ nghèo phát triển kinh tế”, Thượng tá Nguyễn Như Hồng thông tin thêm.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703325.jpg
Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại điểm trường Tiểu học xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất, trong quá trình mở các lớp xóa mù chữ, các tổ chức, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học tập, lồng ghép linh hoạt giữa việc dạy chữ với phổ biến kiến thức. Từ đó giúp chuyển biến cơ bản về nhận thức và kỹ năng canh tác, chăn nuôi của người dân. Các lớp học đã tạo cơ hội học tập thứ hai cho những người lớn tuổi, thanh, thiếu niên chưa từng được đi học hoặc phải bỏ học giữa chừng ở bậc tiểu học.

Để tạo thuận lợi cho công tác xóa mù chữ, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND, ngày 7/7/2023 về việc Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục theo đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, tỉnh hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ với mức chi tối đa 1,8 triệu đồng/người/chương trình.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703327.jpg
Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại điểm Trường tiểu học xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ngoài ra, địa phương còn có chính sách hỗ trợ khác, như: Hỗ trợ thắp sáng ban đêm, mua sổ sách theo dõi quá trình học tập và hỗ trợ giáo viên mua văn phòng phẩm, tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù… Đồng thời, HĐND tỉnh đã quy định mức hỗ trợ cho người làm công tác xóa mù chữ với thời gian hưởng 12 tháng/năm.

Năm học 2021 - 2022, Nghệ An đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đối tượng từ 15 - 60 tuổi đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 lên 99,35%. Do vậy thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát và tiếp tục mở các lớp học xóa mù chữ để nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc các bản vùng cao biên giới tỉnh Nghệ An.

vna_potal_nhung_nguoi_“gieo_chu”_noi_vung_bien_nghe_an_7703334 (1).jpg
Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại điểm trường Tiểu học xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm