Giấy bản - sản phẩm mang “hồn” dân tộc

Giấy bản - sản phẩm mang “hồn” dân tộc
Giấy bản được lên khuôn tạo thành sản phẩm.
Giấy bản được lên khuôn tạo thành sản phẩm.
Giấy bản có màu vàng nhạt, dai bền và thoang thoảng mùi thơm núi rừng. Giấy này do chính bàn tay của những người dân làm ra và công nghệ sản xuất cũng hoàn toàn thủ công được lưu giữ truyền đời từ thế hệ này qua thế khác như một nghề truyền thống của dân tộc. Có lẽ vì sự độc đáo đó mà đồng bào rất ưa chuộng. Anh Hứa Văn Hội, ở xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông (Thông Nông) - một xóm có truyền thống làm giấy bản từ bao đời nay cho biết: Ngoài dùng để cắt giấy tiền, vàng hương, giấy bản còn dùng để dán bàn thời, trang trí trong nhà, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản không bao giờ phai.

Giấy bản được làm từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Nguyên liệu chính để làm nên giấy bản là cây vỏ dưỡng (theo tiếng địa phương còn gọi là cây mạy Sla), thường mọc tự nhiên trên đồi, núi cao. Cây dễ bóc vỏ nhất là vào khoảng tháng 3 và tháng 7. Cây vỏ dưỡng được bóc lấy phần vỏ, phần vỏ này được tước vỏ đen một lần nữa, đây là công đoạn mất nhiều công và thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, bởi tước được phần vỏ đen càng sạch thì sản phẩm giấy làm ra sẽ càng trắng và chất lượng. Phần vỏ được tước xong đem ngâm vôi trong khoảng 12 tiếng. Sau khi ngâm vôi, phần vỏ này được rửa qua nước rồi đun lên khoảng 3 tiếng. Sau đó đem rửa, ngâm nước khoảng 2 ngày và lại đem rửa và đập cho thật nát phần vỏ. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh, trong quá trình khuấy đem trộn cùng một chút dây trơn được bóc từ cây dây trơn lấy trên rừng nhằm làm cho giấy khi vào khuôn không bị dính. Sau đó, đem khuôn xuống lắc đều và nhấc lên dứt khoát để nước trải đều trên khuôn, tạo thành một sản phẩm giấy ở dạng ướt, giấy này sẽ được ép nước và rải lên 2 mặt lò được đun lửa nhỏ đủ nhiệt độ khoảng gần 1 tiếng giấy sẽ khô, cuối cùng sẽ được một sản phẩm giấy bản có màu vàng nhạt, có độ mỏng vừa phải và dai. 

Không giống như giấy công nghiệp, giấy bản để được rất lâu, nếu bảo quản tốt giấy bản có thể để được vài chục năm. Vì vậy, đồng bào dân tộc rất ưa thích và nó phù hợp trong các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Do đó, giấy bản còn mang giá trị tôn nghiêm trong các phong tục văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc.

Vào những ngày chợ ở các địa phương trong tỉnh gần giáp Tết, sản phẩm giấy bản của đồng bào các dân tộc bày bán rất nhiều và cũng là một trong những thứ cần thiết mà người dân mua nhiều nhất để chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
 
Giấy bản sau khi được phơi khô trên lò bóc ra có thể đem về sử dụng.
Giấy bản sau khi được phơi khô trên lò bóc ra có thể đem về sử dụng.
Giấy bản bán ra thị trường chưa nhiều, do người làm giấy bản hiện nay còn ít và nghề làm giấy bản cũng chưa được quan tâm gìn giữ và phát huy, nên có nguy cơ sẽ mai một. Qua tìm hiểu được biết, giá bán, một thếp giấy bản có khoảng 10 - 15 tờ có giá 20 - 30 nghìn đồng. Một mẻ giấy bản tốn khoảng 30 - 40 kg nguyên liệu, khi làm ra sẽ được khoảng 800 tờ giấy bản. Như vậy, vào những lúc nông nhàn, bà con làm giấy bản để bán vào những dịp Tết, lễ; mỗi năm cũng thu nhập 30 - 40 triệu đồng. Thấy được giá trị của làng nghề truyền thống và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho 7 hộ dân tại xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông làm nghề giấy bản như: xây lò dán khô, lò nung vật liệu, bể múc thành sản phẩm giấy. Đây là một chương trình rất thiết thực đối với người dân tại xóm, giúp đỡ, động viên  bà con lao động sản xuất, đặc biệt là khuyến khích bà con làm nghề giấy bản, từ đó, phát triển bền vững, gìn giữ nghề truyền thống tại địa phương.
 
Giấy bản được bán nhiều vào những phiên chợ.
Giấy bản được bán nhiều vào những phiên chợ.
Nghề làm giấy bản chưa phát triển được nhiều như những nghề truyền thống khác, nhưng nó đã lặng lẽ tồn tại và khẳng định giá trị văn hoá của mình trong đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Giấy bản đã đi vào đời sống tâm linh và nó như một sợi dây gắn kết giữa người còn sống với người đã khuất và như lời nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm